Một nhóm trẻ em đang trở thành tâm điểm chú ý tại khu du lịch ở tây nam Trung Quốc khi các em cầm biểu ngữ ra đường đòi trả lương đã quá hạn cho bố mẹ mình.
13 trẻ em "biểu tình" đòi lương cho bố mẹ ở Dali. Ảnh:Yuna.cn
TheoSina, 13 đứa trẻ, trong đó em nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi, đứng thành một hàng ở trung tâm thành phố Dali, tỉnh Vân Nam. Bố mẹ các em là những công nhân nhập cư làm việc cho dự án bất động sản ở Dali nhưng 6 tháng nay chưa nhận được đồng lương nào.
"Cháu là Yu Xian. Cháu cần sữa và bánh để ăn. Hãy trả lương cho bố mẹ cháu", tờ giấy khổ lớn trên tay cậu bé Yu mới 5 tuổi đến từ thành phố Qujing, Vân Nam viết.
Yu kể rằng bố em đã làm việc nhiều năm ở Dali. "Lâu lắm rồi bố cháu không về thăm nhà. Cháu muốn bố cháu được trả tiền để cháu có thể đến trường", cậu bé nói.
5 trong số những em biểu tỉnh vừa nhập học đại học.
"Cháu đến để giúp bố cháu đòi tiền lương vì học phí đại học là vấn đề khiến cả gia đình cháu phải đau đầu", Liu Qiang, một em gái đến từ thành phố Trùng Khánh giải thích. Liu vừa được nhận vào trường đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh ở thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam nên rất cần có tiền để đóng học phí.
Tình cảnh bị chậm lương cũng dẫn đến sự đổ vỡ của ít nhất một gia đình. Wu Fan, 8 tuổi, kể rằng bố mẹ em đã ly dị vì bố không gửi tiền về nhà. "Mẹ cháu khăng khăng rằng bố cháu đã nướng tiền vào cờ bạc hoặc ma túy".
Hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ và gia đình các em đã thu hút sự quan tâm của người dân ở thành phố cổ Dali, nơi luôn chật cứng khách du lịch đến từ khắp thế giới. Họ còn chụp lại ảnh "cuộc biểu tình" của những đứa trẻ và đăng lên mạng.
Trong khi các cư dân mạng đổ lỗi cho "nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận", hãng thông tấn Xinhua lại phát hiện ra những lỗ hổng trong quản lý dự án và các công nhân chỉ là nạn nhân của một của một bức tranh kinh tế lớn hơn.
Công ty Bất động sản Yunnan Guangsha, đơn vị đầu tư, đã đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương hồi năm 2006 để xây dựng một khu phức hợp gồm nơi nghỉ dưỡng, cửa hàng mua sắm và trung tâm triển lãm với tổng chi phí 97 triệu nhân dân tệ, tương đương 15,26 triệu USD. Dự án trên được ký kết với một tập đoàn xây dựng lớn ở Côn Minh nhưng sau đó lại ký hợp đồng phụ với Golden Carpenter, một công ty nhỏ hơn. Dự án gặp khó khăn khi ông chủ của Guangsha bị bắt năm 2009 với cáo buộc lừa đảo.
Cậu bé Yu Xian, mới 5 tuổi, cầm tờ giấy có dòng chữ "Cháu là Yu Xian. Cháu cần sữa và bánh để ăn. Hãy trả lương cho bố mẹ cháu". Ảnh:Yuna.cn
Năm ngoái, Guangsha được chuyển giao quản lý cho một công ty du lịch địa phương ở Dali, nhưng hơn 21 triệu tệ (hơn 3 triệu USD) chi phí xây dựng vẫn chưa được chuyển cho Golden Carpenter thông qua nhà thầu chính, trong đó có 17 triệu tệ (2,7 triệu USD) tiền lương cho công nhân.
Sau khi những đứa trẻ ra đường đòi tiền lương cho bố mẹ, chính quyền thành phố Dali đã yêu cầu công ty du lịch trên giải quyết vụ việc. Công ty đã chuyển 3 triệu nhân dân tệ đến nhà thầu chính, khi đơn vị này cam kết trả lương đầy đủ cho nhân công.
Theo một quy định mới đi vào hiệu lực năm ngoái ở Vân Nam, tất cả các công ty xây dựng phải gửi ít nhất 10% chi phí cho ngân hàng làm quỹ dự phòng tiền lương cho công nhân. "Nhưng cần có thời gian để các công ty xây dựng thi hành quy định và trả lương cho nhân công", nhà thầu dự án ở Côn Minh, tên Zhang, nói.
Ông Zhang cho biết nhiều tỉnh khác, trong đó có Sơn Tây và Hà Nam, đã đưa vào danh sách đen các nhà thầu nổi tiếng chậm trả lương. "Tuy nhiên, khi một dự án được ký thầu phụ nhiều lần, rất khó để theo sát gốc rễ cuộc tranh cãi", ông Zhang nói.