Những người ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố lớn ủng hộ chính sách mới cho phép thi đại học mà không cần hộ khẩu, một số người thành phố lại phản đối vì cho rằng như vậy là tước mất cơ hội của thí sinh nội thành.
Một thí sinh vào phòng thi đại học, bên ngoài là sự lo lắng của các bậc phụ huynh. Ảnh:CFP
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren ban hành quy định cho phép những học sinh không có hộ khẩu thường trú được thi đại học tại địa phương khác, chậm nhất là vào cuối năm 2012. Tháng 10, một số người dân tụ tập trước cổng Ủy ban Giáo dục Thành phố Bắc Kinh để thúc giục sớm thực thi kế hoạch trên.
Cuộc biểu tình do ông Du Guowang, một người Nội Mông Cổ sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh từ hơn hai thập kỷ qua, dẫn đầu. Trong nhiều tuần, ông Du đã kiến nghị về việc sớm thực hiện chính sách và tiến vào trụ sở của Ủy ban Giáo dục Bắc Kinh để gửi thư kiến nghị đến văn phòng.
Trong quá trình gặp gỡ, người biểu tình và nhân viên trong sở giáo dục trao đổi hàng giờ đồng hồ, Du và khoảng 30 phụ huynh học sinh không có hộ khẩu sau đó bị cuốn vào cuộc cãi vã và ẩu đả.
Hiện tại, những học sinh không có hộ khẩu phải trở về quê để thi đại học, kể cả khi họ có nhiều năm đi học ở một thành phố khác. Trong đa số trường hợp, việc những học sinh phải về quê thi đại học đồng nghĩa với có ít cơ hội vào đại học hơn. Ở Trung Quốc, các tỉnh thành khác nhau sử dụng sách khác nhau trong quá trình giảng dạy, cũng khiến việc thi cử ở địa phương khác trở nên khó khăn cho các thí sinh.
"Con tôi sẽ bị mất điểm nếu phải về quê thi đại học", Gao, một bà mẹ quê ở tỉnh Hà Bắc nói. Mặc dù con trai của bà đi học ở Bắc Kinh từ tiểu học, bà vẫn phải trả 10.000 nhân dân tệ (1.604 USD) tiền "trái tuyến" mỗi năm cho trường trung học vì không có hộ khẩu Bắc Kinh.
Du cũng có con học ở Bắc Kinh từ tiểu học và sẽ thi đại học năm nay. Ông Du và bà Gao cùng 30 vị phụ huynh khác biểu tình vào thứ năm hàng tuần kể từ 20/9. Họ cũng lập một trang web thu thập chữ ký của những người mong muốn sớm thực hiện chính sách trên. Hiện đã có hơn 100.000 người ủng hộ những vị phụ huynh này.
Tuy nhiên, một số người dân địa phương phàn nàn rằng thành phố của họ trở nên quá tải và sự cạnh tranh giữa các học sinh trung học ngày một tăng. "Nếu tất cả học sinh giỏi trên cả nước đều thi đại học ở Bắc Kinh thì học sinh Bắc Kinh sẽ học ở đâu", Zhang Yinghao, một người Bắc Kinh, nói.
Zhang cũng tập hợp một danh sách những người dân thành phố ủng hộ chính sách mới về việc thi đại học. Diễn đàn của Zhang trên Sina Weibo tập trung phản ánh những hành vi không đẹp của người ngoại tỉnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thủ đô và áp lực mà người Bắc Kinh trước làn sóng nhập cư ồ ạt của người ngoại tỉnh.
Một người phản đối chính sách cho rằng nếu những học sinh không có hộ khẩu không thi đại học tại Bắc Kinh, thì nguồn lực giáo dục sẽ đượ phân bố tốt hơn cho người Bắc Kinh, áp lực thi cử với học sinh bản địa sẽ giảm xuống. Ngoài ra, hệ thống giáo dục sẽ thực chất hơn sau khi những học sinh ngoại tỉnh, những người nổi tiếng là học vẹt nhưng có điểm số cao, rời thành phố.
Cách đó hàng nghìn cây số, hàng chục người ở Thượng Hải cũng tập trung trước Sở Giáo dục Thượng Hải nhưng lại để phản đối chính sách về thi đại học mới và bảo vệ quyền của người Thượng Hải.
"Sự gia tăng dân số đã vượt quá sức chứa của thành phố. Nếu Thượng Hải tiếp tục mở cửa trong lĩnh vực giáo dục thì người ngoại tỉnh sẽ không thiếu một quyền gì so với người bản địa", một người dân Thượng Hải nói.
Theo số liệu thống kê có khoảng 10 triệu người ngoại tỉnh sống tại Thượng Hải, bằng một nửa dân số thành phố. Trong đó có 60.000 thí sinh thi đại học người Thượng Hải còn 180.000 là người ngoại tỉnh.
Việc phản đối những người ngoại tỉnh cho thấy cảm giác bất an của người dân địa phương, trong khi đó, người ngoại tỉnh cho rằng cơ hội giáo dục là bình đẳng cho tất cả mọi người.
Hắc Long Giang, một tỉnh miền đông bắc Trung Quốc, là địa phương đầu tiên áp dụng chính sách này từ ngày 31/10. Những học sinh theo học ba năm liên tiếp ở bậc trung học phổ thông và có cha mẹ làm việc tại thành phố sẽ được dự thi tại đây. Tuy nhiên, có khá ít học sinh đến thi đại học ở đó bởi vì bản thân tỉnh này có quá nhiều học sinh và tỷ lệ chọi là rất cao, Zhang Yaqun, chuyên gia giáo dục của đại học Hạ Môn, nói.
Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, chính sách khó lòng được thực hiện vì vấp phải sự phản đối của người dân. Một số chuyên gia chỉ ra rằng phải làm hài hòa lợi ích của cả hai phía, dân địa phương và người ngoại tỉnh. Các chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền trung ương và địa phương cần cải cách quy chế tuyển sinh đại học và bỏ qua việc phân loại dựa trên hộ khẩu.
"Mục tiêu của hệ thống tuyển sinh đại học là đề cao tính lựa chọn hai chiều giữa nhà trường và sinh viên. Để giải quyết vấn đề ràng buộc về hộ khẩu, hạn chế về tỉnh thành, cần phải phối hợp nhiều biện pháp gồm cân bằng nguồn tài nguyên giáo dục đại học ở các địa phương, giám sát chất lượng kỳ thi đầu vào đại học...", Yang Dongping, giáo viên đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho hay.
"Để giảm bớt những lo ngại của người dân địa phương, cần thiết lập tỷ lệ "trái tuyến" phù hợp, và kiểm soát chặt chẽ không để có những kẽ hở cho những người lợi dụng, giả mạo giấy tờ để được thi đại học ở thành phố lớn", Xiong Bingqi, chuyên gia giáo dục thuộc đại học Giao thông Thượng Hải nói.
Trước mắt, các địa phương đang xem xét ngày thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục nhưng chưa đưa ra thời gian cụ thể. Trong thời gian đó, con của ông Du vẫn phải trở về Nội Mông, một nơi không còn thân thuộc với mình, để thi đại học.