Tokyo yêu cầu Trung Quốc bảo an cho người Nhật

lananh |

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda yêu cầu Bắc Kinh bảo đảm an toàn cho công dân và tài sản của Nhật ở Trung Quốc.

Yêu cầu của ông Noda được đưa ra khi hàng nghìn người biểu tình quây quanh sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, ném chai lọ, thức ăn và hô to những khẩu hiệu chống Nhật.

Làn sóng biểu tình bùng lên dữ dội cuối tuần này, sau sự kiện chính phủ Nhật thông báo đã chi gần 26 triệu USD để mua ba trong số năm hòn đảo trong quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Quần đảo nằm trên biển Hoa Đông, là nguyên nhân căng thẳng nhiều năm qua giữa hai nước, và mới gia tăng mạnh từ tháng 4.

tokyo-yeu-cau-trung-quoc-bao-an-cho-nguoi-nhat

Một siêu thị Nhật ở thành phố Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông Trung Quốc bị đập phá tan hoang bởi người biểu tình hôm qua. Ảnh: AFP

Theo AFP, biểu tình đã diễn ra trên 50 thành phố của Trung Quốc trong ngày hôm qua, trong đó những người quá khích đã tấn công các cơ sở kinh doanh, xe hơi và quán ăn của người Nhật.

"Tình hình thật là một thất vọng lớn, chúng tôi đang phản đối (tới Trung Quốc)", ông Noda phát biểu trên truyền hình Nhật. "Chúng tôi muốn Trung Quốc kiểm soát tình hình để ít nhất thì các công dân Nhật và cơ sở kinh doanh của họ không bị nguy hiểm".

Noda cũng nhấn mạnh rằng cả hai nước cần "cư xử một cách kiềm chế".

"Chúng ta là các nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới, và sự phát triển của Trung Quốc cũng là mối quan tâm của chúng tôi. Tôi cho rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề nếu nhìn nhận trên toàn cục".

Theo nguồn tin của báo Yomurri Shimbun, 10 nhà máy có liên hệ với Nhật Bản trong đó có Panasonics đã bị tấn công hôm qua. Các dây chuyền sản xuất bị đốt phá, và siêu thị ở thành phố Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông bị đập nát.

"Chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động gây hấn này và kêu gọi sự kiềm chế trong dân chúng (Trung Quốc)", tờ Asahi Shimbun của Nhật bình luận.

Căng thẳng Trung Nhật xung quanh Điếu Ngư/Senkaku gia tăng từ tháng 4, khi thị trưởng Tokyo công bố ý định mua các đảo trong quần đảo này từ tay các chủ sở hữu tư nhân.

Sau đó, chính phủ Nhật quyết định quốc hữu hóa và đã hoàn thành hợp đồng với ba trong số 5 đảo. Việc này châm ngòi phản ứng từ Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định việc Nhật mua đảo là không thể chấp nhận được bởi Trung Quốc nói quần đảo này thuộc chủ quyền của họ.

Tokyo thì kiên quyết khẳng định không cần phải xét lại hành động này bởi vì nó xảy ra trên vùng thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

tokyo-yeu-cau-trung-quoc-bao-an-cho-nguoi-nhat

Một chiếc xe Nhật bị đốt trong cuộc biểu tình của người Trung Quốc hôm thứ bảy. Ảnh: AFP

Hồi tháng 8, một nhóm người Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc đại lục cùng kéo ra đảo Điếu Ngư/Senkaku để khẳng định chủ quyền cho Trung Quốc, nhưng bị lực lượng tuần duyên Nhật bắt và trục xuất ngay sau đó. Vài ngày sau, hàng chục người Nhật cũng đổ bộ lên quần đảo và cắm quốc kỳ Nhật, gây một đợt biểu tình ở Trung Quốc.

Hôm 14/9, ba ngày sau khi Nhật tuyên bố mua đảo, 6 tàu hải giám của Trung Quốc được cử đến vùng nước quanh Điếu Ngư/Senkaku. Tàu của hai nước trao đổi những lời cảnh cáo và xua đuổi, sau đó tàu Trung Quốc rời đi.

Giữa lúc tình hình căng thẳng, truyền thông Trung Quốc đưa tin quân khu Nam Kinh (gồm các tỉnh miền đông) đã tập trận bắn đạn thật và đổ bộ chiếm đảo.

Hôm nay, đài phát thanh Trung Quốc thông báo khoảng 1.000 tàu cá nước này chuẩn bị ra khơi ở vùng nước tranh chấp ngay tuần tới, khi mùa khai thác mới bắt đầu. Một thời điểm nhạy cảm nữa sắp đến là thứ ba tuần sau, có ngày kỷ niệm sự kiện quân đội Nhật xâm lược Mãn Châu Lý, năm 1931.

Mỹ, lo ngại tình hình xấu đi trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới, đã kêu gọi các bên không nên dùng cái đầu nóng để giải quyết tranh chấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại