Tòa án tối cao Pakistan phát lệnh bắt Thủ tướng

My Lan |

(Soha.vn) - “Chúng tôi xem đây như một cuộc đảo chính của tòa án và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm chệch hướng nền dân chủ”,

Ngày 15/1, Tòa án tối cao Pakistan đã bất ngờ phát lệnh bắt giữ Thủ tướng nước này, ông Raja Pervez Ashraf, cùng 15 người khác vì cáo buộc tham nhũng.

Những cáo buộc này nhằm vào các vấn đề liên quan tới đầu thầu nhà máy để cho thuê trong thời kì từ năm 2008 - 2011, khi ông Ashraf là Bộ trưởng điện lực và nguồn nước. Ông Ashraf đã phủ nhận những cáo buộc này.

Cùng lúc này, hàng nghìn người biểu tình do giáo sĩ Tahirul Qadri cầm đầu đang tập trung tâm thương mại cách Nghị viện 500 mét, đòi ông Ashraf từ chức và giải tán chính phủ.

 

Các thành viên đảng cầm quyền của ông Zardari và nhiều nhà quan sát nói rằng, phán quyết này càng làm tăng thêm những nghi ngờ về việc các cuộc biểu tình của Qadri được hậu thuẫn bởi một thế lực mạnh mẽ nào đó, có thể lực lượng quân đội và ngành tư pháp. Song cả quân đội và Qadri đều phủ nhận nhận định này.

Asma Jehangir, một nhà hoạt động nhân quyền, cựu Chủ tịch hiệp hội Tòa Án Tối Cao Lahore cho biết: "Có vẻ như Tòa án tối cao là một phần của âm mưu này... Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên".

Phát biểu trên một kênh truyền hình của Pakistan, Bộ trưởng Thông tin Qamar Zarman Kaira cũng khẳng định: "Quyết định của Tòa án Tối cao không phải là một sự trùng hợp".

Cố vấn của Thủ tướng Pakistan, Fawad Chaudhry, cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Thủ tướng đều là vi hiến bởi ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi đang đương chức.

“Chúng tôi xem đây như một cuộc đảo chính của tòa án và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm chệch hướng nền dân chủ”, ông Chaudhry tuyên bố. Chính trị gia này cũng khẳng định 30.000 người biểu tình không thể được phép biến cả đất nước 180 triệu dân thành con tin.

Trong khi đó, khi nhận được tin về lệnh bắt giữ, đám đông biểu tình đã vỡ òa trong sung sướng. Họ nhảy múa, ôm nhau trên các đường phố, thậm chí có một số người đã khóc.

Ghulam Nabi, 28 tuổi, một công nhân lao động ở thủ đô Lahore cho biết: "Tôi không thể diễn tả được hạnh phúc bằng lời".

Nhiều người cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình trên đường phố cho tới khi quốc hội bị giải thể và Zardari từ chức. Họ kêu gọi thành lập chính phủ lâm thời trong thời gian chuẩn bị bầu cử.

Đối với những người biểu tình, quyết định này là sự xác nhận đối với ý kiến của ông Qadri rằng chính phủ Pakistan hiện nay là Chính phủ tham nhũng, không có năng lực và không đáng tin cậy để tiếp tục nắm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại