Dấu hiệu khả quan
Cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm 7/9 tại Vladivostok (Nga) là bước triển khai tiếp tục tăng cường các hoạt động tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao Việt - Trung.
Trong cuộc gặp, thông điệp chung được lãnh đạo hai nước nhấn mạnh là: “Không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước”, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Biển Đông không phải là toàn cục quan hệ Việt – Trung nhưng các vấn đề trên Biển Đông hết sức nhạy cảm và phức tạp, việc giải quyết những tồn tại trên cơ sở đại cục quan hệ giữa hai Đảng, hai nước là cần thiết.
Việc hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông tại cuộc gặp nằm trong khuôn khổ Cấp cao APEC là tín hiệu cho thấy nỗ lực nghiêm túc giải quyết vấn đề tồn đọng lớn nhất, khó khăn nhất, do lịch sử để lại trong quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Trước những yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhằm ngăn chặn những rắc rối hàng hải do căng thẳng leo thang, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cam kết: "Tự do và an toàn hàng hải trên biển Đông sẽ được đảm bảo".
Ông Dương cho biết Trung Quốc đồng ý "hợp tác nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là thông qua một bộ quy tắc ứng xử" trên cơ sở sự đồng thuận.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC, ngày 9/9 hãng thông tấn Nhật Kyodo đưa tin, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia đã nhất trí thúc đẩy các mối quan hệ Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), nơi vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu.
Ngổn ngang nhiều vấn đề
Những tranh chấp căng thẳng trên biển Đông là một trong những lí do khiến một số cuộc hội đàm quan trọng của các nhà lãnh đạo không được diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia này vẫn chưa thể đi tới một thỏa thuận này nhằm cải thiện tình hình.
Điển hình là việc Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda không lên kế hoạch hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Dù vậy, ông Noda vẫn khẳng định: "Nếu có cơ hội, ví dụ như một cuộc trò chuyện bâng quơ, tôi cũng muốn nói cho họ biết về vị trí của Nhật Bản".
Tổng thống Philippines Beniguo Aquino cũng không có cuộc gặp nào với ông Hồ Cẩm Đào, mặc dù trước đó, hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp mặt trước phiên bế mạc Hội nghị APEC 2012.
Tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề biển Đông còn chưa lắng dịu thì sự hiện diện của Mỹ lại gây ra nhiều lo ngại đối với nhiều quốc gia mà đặc biệt là Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cho rằng sự can dự của Mỹ ở biển Đông có thể khiến cho các tranh chấp trong khu vực này càng trở nên trầm trọng, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ đang muốn kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc có những động thái nhã nhặn hơn, song vẫn kiên quyết giữ thế đề phòng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Theo tôi biết, các nước không phải là thành viên của ASEAN và các nước bên ngoài khu vực phải giữ lập trường không can thiệp vào những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC
Về phần mình, Ngoại trưởng Hillary cho biết Mỹ sẽ giữ lập trường trung lập, song bà vẫn khẳng định sẽ cường quốc phương Tây này sẽ tăng cường sự can thiệp của mình thông qua Indonesia, quốc gia được cho là trung gian hòa giải tranh chấp.
Trong một bài phát biểu với báo giới trước khi rời Vladivostok, Ngoại trưởng Hillary nói: “Giờ là thời điểm để tất cả các bên nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và tăng cường ngoại giao. Khu vực này là động cơ trong cỗ máy kinh tế vẫn còn mong manh của thế giới… Việc hoài nghi và không tin tưởng hòa bình và ổn định tại Châu Á-Thái Bình Dương không có lợi cho các nước Châu Á và dĩ nhiên không có lợi cho Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới”.