Chiến sự ác liệt tại Aleppo, thành phố đông dân nhất Syria.
Cuộc tổng tấn công được tiến hành sau khi chính phủ Syria triển khai nhiều đơn vị quân đội đặc nhiệm tới sườn phía Đông Aleppo, trong khi khu vực phía Nam và Tây Nam tiếp nhận các phi đội trực thăng chiến đấu để sẵn sàng ứng chiến.
Theo các nguồn tin mới nhất, dưới sự yểm trợ của xe tăng và chiến đấu cơ, quân đội Syria đã tiến vào nhiều khu vực phía Tây Nam, nơi tập trung binh lực của lực lượng chống chính phủ kể từ sau cuộc tấn công hôm 20/7.
“Từ sáng sớm, đại pháo đã bắt đầu nã vào Salaheddin và Hamdanieh gần trung tâm cùng nhiều khu vực khác”, một nhân chứng tại chỗ cho biết.
Trước khi giao tranh diễn ra, phe đối lập cũng đã đẩy mạnh các phương án phòng thủ như chất các bao cát quanh vị trí chiến đấu, lập các bệnh viện dã chiến tại một số trường học và nhà thờ Hồi giáo.
Tuy nhiên, với lượng vũ khí, đạn dược hạn chế, lực lượng này đã không thể đương đầu với vũ khí hạng nặng của quân chính phủ. Giao tranh đã khiến nhiều dân thường Aleppo phải chạy xuống hầm trú ẩn và khiến ít nhất 12 hai người thiệt mạng.
Giới phân tích nhận định, trận chiến ở Aleppo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai phe ở Syria.
Với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đây là thủ đô thương mại ở Tây Bắc Syria và là nơi có đông đảo doanh nhân, lực lượng vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ.
Trong khi đó, với phe chống đối, Aleppo là "chìa khóa" giúp khống chế miền Bắc và ở đường cho việc "viết lại kịch bản Benghazi” ở Libi trước đây. Bởi chiếm được Aleppo, phe đối lập sẽ thiết lập được vùng đệm an toàn cho việc tổ chức lại hàng ngũ, huấn luyện các tay súng và tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.
Quốc tế kêu gọi đình chiến
Trước khi diễn ra cuộc tổng phản công tại Aleppo, Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây đã kêu gọi các phe phái ở Syria đình chiến nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra.
“LHQ đặc biệt quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Syria. Tôi kêu gọi chính quyền của Tổng thống Assad ngừng ngay các cuộc tấn công này và đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng vũ khí hóa học sẽ không được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào”, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại thủ đô London của Anh.
“Các cuộc tấn công tại Aleppo có thể gây ra một thảm họa nhân đạo thực sự”, Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ, Tổ chức các nước Hồi giáo (OIC), Liên đoàn Ảrập (AL) tăng cường nỗ lực quốc tế.
Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) Abdel Basset Sayda yêu cầu quốc tế vũ trang cho quân nổi dậy Syria.
"Chúng tôi muốn có những vũ khí có thể ngăn chặn xe tăng và máy bay chiến đấu. Đó là những thứ chúng tôi cần", ông Sayda phát biểu với các phóng viên tại Abu Dabi.
Ông Sayda đồng thời hối thúc các đồng minh nước ngoài của SNC can thiệp vào Aleppo bên ngoài khuôn khổ của HĐBA và đưa Tổng thống Assad ra xét xử vì "tội thảm sát”.
Tuy nhiên, Nga cảnh báo sự hỗ trợ của nước ngoài sẽ chỉ làm đổ máu thêm, vì rằng chính phủ Syria sẽ không khuất phục trước phe nổi dậy.
“Bi kịch là điều có thể xảy ra tại Aleppo và phe đối lập cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga bên bờ Biển Đen.
Theo thống kê, hiện có gần 3 triệu người sinh sống ở Aleppo, nơi bất ngờ rơi vào chiến sự cách đây một tuần sau khi quân chính phủ đẩy lùi các vụ tấn công ở thủ đô Damascus.
Theo Dantri.com.vn