Nữ doanh nhân mở "lò luyện các nhà lãnh đạo châu Á"

myle |

Một nữ doanh nhân Nhật Bản thì lại tin rằng châu Á đang quá phụ thuộc vào phong cách lãnh đạo phương Tây.

Nữ doanh nhân mở "lò luyện các nhà lãnh đạo châu Á" 1

Lin Kobayashi tại trường Quốc tế châu Á Karuzawa (ISAK) ở vùng núi tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản. Ảnh:AFP

Lin Kobayashi hy vọng rằng ngôi trường nằm ở ngoại ô thủ đô Tokyo mà bà đang xây dựng sẽ giúp thay đổi phong cách lãnh đạo trong khu vực, bằng cách tạo ra một làn sóng các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có cách tư duy "châu Á hơn".

Việc thi công trường Quốc tế châu Á Karuzawa (ISAK) vừa được bắt đầu hồi tháng 9. Dự kiến các lớp học, tất cả đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014 và đưa ISAK trở thành trường cấp ba quốc tế đầu tiên của Nhật Bản.

Kobayashi, 38 tuổi, từng là một nhà phân tích đầu tư tại công ty tài chính hàng đầu thế giới, cho biết ngôi trường sẽ mang những sinh viên từ nhiều nền văn hóa, nền kinh tế-xã hội lại với nhau, với các học bổng dành cho học sinh nghèo do các mạnh thường quân tài trợ.

Tuy nhiên, bà cho biết bà không đơn giản chỉ muốn trở thành đối thủ của những ngôi trường như Harrow hay Dulwich của Anh, những ngôi trường đã thành lập các cơ sở mang phong cách phương Tây tại Trung Quốc, Hong Kong hay Thái Lan.

"Châu Á đang là trung tâm của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào phong cách lãnh đạo phương Tây, với suy nghĩ rằng uy tín là phải đến từ cách tiếp cận ồn ào và từ trên xuống dưới", Kobayashi, cựu thành viên của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Quỹ Trẻ em Liên Hợp Quốc ở Manila nói.

"Tôi nghĩ chúng ta cần những lãnh đạo được định hướng châu Á, coi trọng sự đồng thuận và hài hòa, và có thể kết hợp với một nền tảng nhận thức sâu sắc về lịch sử phức tạp và văn hóa đa dạng của châu Á".

Lịch sử khu vực

ISAK đến nay đã nhận được 1,5 tỷ yen, tương đương 19 triệu USD, tiền đóng góp để trang trải các chi phí ban đầu, trong khi mời các chuyên gia kinh tế có tiếng về làm cố vấn. Hồi tháng 7, ISAK đã mở khóa học mùa hè thường niên dài 10 ngày, với 53 học sinh từ 14 nước. Học phí là 300.000 yen.

Kobayashi cho biết trường sẽ đặc biệt chú trọng về lịch sử khu vực, trong đó học sinh được "đi qua" từng nước khác nhau và học về nguồn gốc những cuộc tranh chấp lãnh thổ khác nhau.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh nhóm đảo ở biển Hoa Đông gần đây xấu đi, khiến thương mại hai bên sụt giảm mạnh. Năm ngoái, quan hệ thương mại hai bên vượt 300 tỷ USD.

"Chúng tôi không dạy lịch sử từ một phía. Quan trọng là tìm hiểu về sự đa dạng của những quan điểm lịch sử và cấu trúc đa dân tộc của khu vực", Kobayashi nói, thêm rằng bà muốn thu nhận những giáo viên đến từ nhiều nơi khác nhau.

Nữ doanh nhân mở "lò luyện các nhà lãnh đạo châu Á" 2

Các học sinh tại khóa học mùa hè của ISAK. Ảnh:AFP

Lzaw Saw Nai, một học sinh 14 tuổi từ Myanmar tham gia khóa học mùa hè năm nay, cho biết cậu "rất thích lãnh đạo".  "Chúng em có cũng những vấn đề chính trị và nhiều vấn đề khác ở nước mình", cậu nói.  "Em cảm thấy em nên làm gì đó, nhưng đầu tiên em phải học đã. Vì thế, em đến đây".

Tareq Habash, 13 tuổi, đến từ Palestine cho biết: "Palestine rất cần những lãnh đạo có thể hiểu được đất nước mình cần gì chứ không chỉ là bản thân họ muốn gì".

Tư duy tự do

Kobayashi cho hay bà hy vọng các lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của Nhật Bản, nơi mà nền chính trị thường bị chỉ trích là thiếu tài năng, cũng sẽ được hưởng lợi.  "Giáo dục Nhật Bản không đủ để dạy các em lãnh đạo", bà nói, thêm rằng đây là nhu cầu cấp thiết trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

Sau thất bại trong Thế chiến II, Tokyo đã trang bị một hệ thống giáo dục được đánh giá là có tính nhất quán. Trong khi các nhà quan sát nhận định giáo dục là một trong những điều tạo nên sự phục hồi kỳ diệu của Nhật Bản, họ cũng tranh cãi rằng sự thống nhất này liệu có đang kìm hãm tiến bộ, giữa những lời kêu gọi các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ mạnh dạn và phóng khoáng để đưa đất nước đi lên.

Yoshiaki Nomura, một chuyên gia về lãnh đạo tại đại học Osaka, cho rằng ý tưởng về một ngôi trường châu Á mới là rất hợp thời.

"Tôi nghĩ chương trình giảng dạy nhằm tạo ra một thế hệ ưu tú mới là rất cần thiết", ông nói.  "Chúng ta đã học rất nhiều về những lý thuyết lãnh đạo phương Tây cổ điển, nhưng tôi thường cảm thấy rằng những gì chúng ta cần ở châu Á phải khác".

Jun Nakahara, phó giáo sư tại đại học Tokyo, đồng tình rằng lãnh đạo không phải luôn luôn là một khả năng bẩm sinh mà là "thứ bạn cần phải học". Tuy nhiên, ông cho rằng kinh nghiệm đến từ công việc có thể có giá trị hơn là lý thuyết ở nhà trường. "Họ phải đưa đến cho học sinh cơ hội kinh nghiệm từ thực tiễn, trong đó các em tự thực hành sự lãnh đạo của riêng mình", ông nói.

Ông thêm rằng ISAK có thể khởi đầu cho một mạng lưới trong tương lai, nhưng "cần có thời gian" để ngôi trường tạo ra ảnh hưởng trước những đối thủ đã có tiếng bấy lâu ở phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại