Cứ tới giờ cao điểm, những chiếc thuyền gỗ nhỏ chở hàng nghìn người dân tại Dhaka, thủ đô Bangladesh, chen chúc nhau trên con sông Buriganga đông đúc. Nơi đây được coi là một trong những tuyến đường sông nguy hiểm nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với những người chèo thuyền.
Tai nạn như cơm bữa
Mỗi ngày, ông lão lái đò Muhammed Abdul Loteef đều phải vượt hơn 400 mét qua con sông Buriganga để chở hàng khách và hàng hóa. Với một người đã 70 tuổi thì chèo thuyền dưới trời nắng 40 độ thực sự là một công việc tay chân vất vả: "Để làm được điều này, bạn cần phải có sức mạnh và sự can đảm".
Cũng có vài cây cầu bắc qua sông Buriganga. Song đối với 25.000 người di chuyển qua lại giữa trung tâm thành phố và các khi dân cư, thuyền gỗ, hay còn gọi là sampan, chạy bằng mái chèo, vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân địa phương.
Cùng lưu thông trên sông với các sà lan lớn, tàu chở hàng, tàu chở khách, các tàu gỗ nhỏ phải học cách len lỏi, tránh vật cản. "Mỗi ngày ở đây đều có một hoặc hai tàu lộn nhào", ông Loteef cho biết, "thi thoảng, các con tàu nhỏ cũng bị tàu lớn đánh chìm và có người chết".
Colin Window, một lái đò người Anh trên sông Thames cũng choáng váng bởi công việc đầy khó khăn mà các đồng nghiệp của mình ở Bangladesh làm mỗi ngày. "Những người đàn ông này đều thực sự đẩy chính mình tới ranh giới sống - chết mỗi ngày. Họ phải thực sự, thực sự rất cố gắng mới có thể đối diện với nó"".
Ông Muhammed Abdul Loteef.Ở con sông này, dịch vụ cứu hộ khẩn cấp không được triển khai. Khi tai nạn xảy ra, các hoạt động cứu hộ phải trông chờ vào những thuyền viên khác. "Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu hành khách. Thi thoảng chúng tôi liều mạng mình để cứu họ".
Ông Loteef kể rằng vài tháng trước đó, một con tàu của bạn ông đã gặp nạn khi chở 9 hành khách qua sông. "Trong số họ, tôi cứu được 8 người. Thi thể người còn lại được tìm thấy vài ngày sau đó".
Tiền công rẻ mạt
Khoản thù lao chẳng mấy hậu hĩnh cho một lần đánh đổi cả tính mạng chỉ có 2 taka (khoảng dưới 0,02 USD)/người. Để kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình, Loteef thậm chí phải chở khách qua lại sông 60 lần 1 ngày, thi thoảng còn phải làm việc cả buổi tối. Song họ không còn có lựa chọn nào khác.
Bangladesh luôn là nơi phải hứng chịu những trận lốc xoáy và lũ lụt. Bão ngày càng thường xuyên hơn và bất ngờ hơn, còn tốc độ xói mòn sông cũng tăng lên.
Ông Loteef thừa nhận rằng việc trụ được ở thành phố là điều quá khó khăn. Song so với nhiều người lái đò khác, cuộc sống của ông vẫn còn tốt chán. Ông có tàu của riêng mình, gia đình ông có nhà riêng, dù chỉ là một căn phòng ở một trong hàng nghìn khu ổ chuột tại Dhaka.Nhiều thuyền viên phải thuê thuyền để kiếm sống và ngủ trên đó.
Ông Loteef chia sẻ: "Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng" Nếu chúa cho tôi đôi cánh, tôi sẽ bay trở về ngôi làng của mình". Ông có một mảnh đất nhỏ trồng đậu lăng, song chỉ từng đó thôi không đủ để ông nuôi sống cả gia đình. "Chúng tôi có thể làm việc nếu chúng tôi có 2 ccon bò. Nếu chúng tôi có 2 con bò, chung tôi không cần phải sống ở thành phố". Ước mơ nghe thật giản đơn, song số tiền kiếm được trong 1 năm của ông cũng chưa đủ mua 1 con bò.
"Đó là mảnh đất của tôi, và bằng tất cả tấm lòng mình, tôi muốn làm được một tấm bia cho mộ của người bố đã khuất của mình". Nỗi u uất trong lòng bỗng dưng vỡ ào khiến ông nghẹn ngào. Người lái đò già đứng dậy, quay lưng bước đi, cố giấu những giọt nước mắt của mình.