Nữ doanh nhân lọt top quyền lực nhất châu Á
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk là người phụ nữ Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes bình chọn.
Theo đánh giá của Forbes, bà Mai Kiều Liên là “át chủ bài” trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam. Bà Liên sinh ra ở Pháp và học tại Moscow (Nga). Năm 1976, bà Liên quay về Việt Nam, làm việc cho Công ty Sữa và Café miền Nam và tham gia hiện đại hóa hợp tác xã chăn nuôi bò sữa nhà nước.
Sau quá trình tư nhân hóa năm 2003, bà trở thành chủ tịch Vinamilk, "đưa hãng trở thành một trong những thương hiệu ăn nên làm ra nhất Việt Nam và được nể trọng khắp châu Á".
Chủ tịch ForbesWoman Moira Forbes cho biết: “Thông qua quyền lực và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình, những người được vinh danh tạo cầu nối giữa những ngành công nghiệp đa dạng, các quốc gia và các thế hệ”.
Người phụ nữ nổi danh trong giới ngoại giao thế giới
Nguyễn Thu Thảo, hay Thảo Griffiths là cái tên không còn xa lạ với giới ngoại giao trong nước và thế giới.
Trong đó, câu chuyện về vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Hà Nội năm 2006 mà giáo sư Seymour Papert là nạn nhân đã khiến nhà ngoại giao nữ trẻ tuổi là một trong những điều khiến Thảo được cộng đồng chính khách ở Việt Nam và báo chí thế giới cảm phục.
Trong lúc mọi chuyện rối bời, tình trạng của giáo sư Papert nguy kịch, Thảo là người đã sắp xếp mọi công việc, tới bệnh viện chăm sóc ông, đồng thời sử dụng hết mọi mối quan hệ ngoại giao, thu xếp một chiếc phi cơ bay thẳng, được trang bị đầy đủ các điều kiện y tế để đưa giáo sư về Mỹ, sống tiếp những ngày tháng cuối cùng theo đúng nguyện vọng của gia đình ông.
Một chính khách quốc tế từng chia nói về Thảo: “Cô ấy lấy từ đâu tia lửa, nghị lực và tình yêu cuộc sống đến như vậy? Cô thật lạ thường”.
Nữ sinh Việt đỉnh cao tại Harvard
Huy chương bạc toán bang Delaware năm 2010, điểm luận văn cuối kì 99/100 - cao nhất trong lịch sử của trường St Andrew’s, chủ nhân danh hiệu National Scholar dành cho những siinh viên xuất sắc về mọi mặt là ba trong số các thành tích vượt trội của du học sinh Việt Nam tại Mỹ Tôn Hà Anh.
Tiến sĩ Chris Maltas đã vô cùng ngạc nhiên với bảng thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của Hà Anh trong thời gian cô học tại trường St Andrew’s, đặc biệt là bài luận văn cuối kỳ, trong đó, cô sinh viên này đưa ra cảm nhận cho cuốn sách “Hãy để trái đất quay” (Let the great world spin), nói về hình tượng sụp đổ của tòa tháp đôi trung tâm thương mại: “Khi một tòa nhà đổ xuống, một tòa nhà khác sẽ mọc lên, khi một thế hệ đi qua, thế hệ sau sẽ đến, vì vậy cần giữ vững niềm tin vào đất nước và cùng vượt qua khó khăn.”
Đánh giá về kết quả kì đầu toàn điểm A của Hà Anh, bà Carolynn, vợ của tiến sĩ Chris Maltas cho biết: “Nhiều sinh viên ở Harvard nói rằng, theo học ở đây đừng nói đến điểm A, ngay cả điểm C cũng không dễ chút nào”.
Hương cỏ thơm tại Czech
Cái tên Nguyễn Phương Thảo giờ đây đã trở nên quen thuộc đối với nhiều chính trị gia tại Cộng hòa Czech. Thậm chí, biệt danh “hương cỏ” do Tổng thống của cộng hòa Czech Vaclav Klaus đích thân đặt cho cô gái nhỏ này cũng trở nên nổi tiếng và được các chính khách quen gọi.
Bắt đầu bằng chuyên ngành Thư viện tại Czech, song tình yêu với nhiếp ảnh đã thôi thúc Thảo mạnh dạn chuyển sang học Truyền hình. Thảo thành danh trong nghiệp báo tại xứ người qua các bức ảnh chân dung các nhân vật nổi tiếng của Czech – những bức ảnh mang phong cách “đầy nữ tính, độc đáo, và khác biệt với cách tiếp cận của các tay nam giới”, theo nhận xét của giới chuyên môn nhiếp ảnh CH Czech.
15 năm trong nghề, nữ phóng viên Phương Thảo đã có tác phẩm đoạt giải cuộc thi ảnh báo chí Cộng hòa Czech 2002, 2003, 2006 và 2007. Kết quả này đã phần nào khẳng định vị trí phóng viên ảnh hàng đầu của Thảo tại tòa soạn báo uy tín bậc nhất MF Dnes.
Nữ nhà văn từng không biết tiếng Anh
Tháng 9 vừa qua, Lễ trao giải thưởng sách National Book Awards 2012 (một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín của Mỹ) đã bất ngờ xướng tên nhà văn Việt Nam Lại Thanh Hà và tác phẩm “Inside Out and Back Again” (tạm dịch là “Đi xa rồi cũng sẽ quay trở về”). Cuốn sách xoay quanh cuộc sống của một bé gái xa quê nhưng những ký ức mơ hồ về miền đất quê hương vẫn luôn ám ảnh em.
Lại Thanh Hà được giới viết văn Mỹ và toàn thế giới biết tới, song thực tế, con đường đến với văn chương của nữ tác giả này không hề bằng phẳng.
Lại Thanh Hà sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt: cha hi sinh trong chiến tranh, mẹ phải một nuôi 6 người con trai và 3 người con gái trưởng thành.
Năm 1975, cô rời Việt Nam sang Mỹ sinh sống, song vì không biết tiếng Anh, chị dường như phải đánh vật từng ngày. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn trau dồi, luyện tập đã giúp Hà đạt được kết quả bất ngờ: cô tốt nghiệp đại học Văn chương Anh ngữ, chính thức dấn thân vào văn học.
Thậm chí, để có đủ tiền và thời gian cho việc sáng tác, Lại Thanh Hà từng phải nhận những công việc nhỏ, bán thời gian và làm việc rất vất vả.
Chia sẻ với khán giả về những nỗ lực cho nghiệp văn chương trong lễ trao thưởng, Lại Thanh Hà chia sẻ đầy hài hước: “Tôi thấy mình rất cực nhọc để học được, hiểu được một ngôn ngữ khác, nên tôi quyết phải làm một cái gì đó với thứ ngôn ngữ đang làm khổ mình”.