Những điều thú vị về mật nghị bầu Giáo hoàng

Hôm nay, 13/3, mật nghị chính thức bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI. Có nhiều điều thú vị xung quanh sự kiện được cả thế giới quan tâm này.

 

Mật nghị bầu ra người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã đang thu hút sự chú ý của giáo dân và người dân toàn thế giới.

1. Mật nghị chưa từng bầu Giáo hoàng ngoài châu Âu

Kể từ mật nghị đầu tiên trong lịch sử năm 1276, hồng y đoàn chưa bao giờ chọn Giáo hoàng là người đến từ các châu lục khác, ngoài châu Âu. Năm nay, nhiều người dự đoán, người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI có thể sẽ không thuộc lục địa già.

Mặc dù hơn một nửa số hồng y tham dự mật nghị đến từ châu Âu nhưng 75% số giáo dân trong tổng số 1,2 tỷ giáo dân trên thế giới sống ngoài châu Âu. Chỉ tính riêng Mỹ Latin, số giáo dân đã lên tới gần 500 triệu người.

2. Mật nghị bầu Giáo hoàng lâu nhất kéo dài gần 3 năm

Ở thế kỷ 13, các hồng y họp tại thị trấn Viterbo của Italy để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Clement IV. Người dân ở thị trấn rất tức giận vì cuộc bầu chọn tân Giáo hoàng kéo dài gần 3 năm vẫn chưa kết thúc. Cuối cùng sau 2 năm, 9 tháng, các hồng y đã chọn được Giáo hoàng Gregory X vào năm 1271.

Giáo hoàng Gregory X sau khi đăng quang thấy được những bất cập của việc bầu chọn người đứng đầu Giáo hội nên đã cho ra đời mật nghị. Sau khi ông qua đời, mật nghị đầu tiên được tổ chức và chọn ra tân Giáo hoàng chỉ trong một ngày.

3. Mật nghị duy nhất không tổ chức ở Rome

Kể từ khoảng cuối thế kỷ 14, mật nghị bầu Giáo hoàng thường diễn ra ở Rome. Duy chỉ có một lần trong lịch sử sau cái chết của Giáo hoàng Pius VI vào năm 1799, mật nghị không tổ chức tại Rome. Giáo hoàng Pius VI ngày đó bị tù và bị đày sang Pháp. Pháp xâm lược Rome, Hồng y đoàn phải họp tại Venice dưới sự bảo vệ của Áo. Các hồng y cử tri đã bầu ra Pius VII vào tháng 3/1800. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, mật nghị không diễn ra tại Rome.

4. Các hồng y Mỹ đến mật nghị rất khó khăn

Năm 1878, John McCloskey (hồng y đầu tiên của Mỹ) không đến mật nghị đúng giờ. Sau đó, nhiều trường hợp khác cũng gặp khó khăn tương tự vì giao thông khó khăn, trong đó có Hồng y William O’Connell, người suýt vắng mặt trong đợt bầu chọn Giáo hoàng năm 1914. Để không gặp lại tình huống tương tự, Hồng y O’Connell đã có sự chuẩn bị trước cho lần đến mật nghị sau. Năm 1922, sau cái chết của Giáo hoàng Benedict XV, ngài bay từ Boston đến New York, lên tàu đến Pháp. Tiếp đó, ngài bắt tàu thủy nhanh đến Naples, lên tàu lửa đến Rome.

5. Tân Giáo hoàng không nhất thiết phải là hồng y

Người được bầu chọn là tân Giáo hoàng chỉ cần 2 điều kiện: là phái mạnh và đã được rửa tội trong nhà thờ. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ năm 1378, chưa có Giáo hoàng nào không phải là hồng y.

6. Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi mới được bỏ phiếu bầu Giáo hoàng

Năm 1970, Giáo hoàng Paul VI giới hạn mật nghị chỉ bao gồm những hồng y dưới 80 tuổi để các hồng y già không cần phải đến Rome. Tuy nhiên, nhiều hồng y trên 80 vẫn có mặt và tham gia họp trước mật nghị để đóng góp ý kiến về các vấn đề còn tồn tại và tương lai của Giáo hội.

7. Phiếu bầu của các hồng y bị đốt sau mỗi lần bỏ phiếu

Trong ngày đầu tiên, các hồng y chỉ bỏ phiếu một lần. Ngày hôm sau sẽ bỏ phiếu 4 lần, 2 vào buổi sáng, 2 vào buổi chiều. Sau khi bỏ phiếu, các phiếu đều được đốt hết. Nếu khói đen bốc lên từ ống khói nhà nguyện có nghĩa là chưa bầu ra được tân Giáo hoàng. Nếu ống khói bốc lên khói trắng, điều này đồng nghĩa với việc đã chọn được tân Giáo hoàng .

8. Giáo hoàng tại vị lâu nhất

Pius IX là Giáo hoàng tại vị lâu nhất. Thời gian tại vị của ngài kéo dài từ 1846 đến 1878, tổng cộng là 31 năm, 7 tháng, 23 ngày. Tiếp đó là Giáo hoàng John Paul II (1978 – 2005), tổng thời gian ngài tại nhiệm là 26 năm, 5 tháng, 18 ngày.

9. Giáo hoàng tại vị ngắn nhất

Urban VII là vị Giáo hoàng có thời gian “trị vì” ngắn nhất, từ 15/9/1590 đến 27/9/1590. Số ngày đảm nhiệm chức vụ là 13 ngày. Ngài qua đời trước khi nhậm chức.

Giáo hoàng Boniface VI cũng chỉ làm người đứng đầu Giáo hội trong vòng 16 ngày trong năm 896.

10. Giáo hoàng nào từ chức?

Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ chức ngày 28/2 và là Giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ khi Giáo hoàng Gregory XII từ chức năm 1415. Trước đó, có tới 9 Giáo hoàng bỏ dở công việc lãnh đạo Giáo hội vì những lý do khác nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại