Nền kinh tế thế giới đang chững lại đồng nghĩa với việc các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đầy tham vọng của Trung Quốc gặp khó khăn về vốn đầu tư.
Trong suốt thập kỉ qua, tổng số các công trình xây dựng ở quốc gia này cứ mỗi 2 tháng đều tương đương với tổng các công trình được xây dựng tại Rome. Hệ quả là các thành phố, trung tâm mua sắm ma xuất hiện.
Thành phố Chenggong, tỉnh Vân Nam
Cựu chuyên gia Ngân hàng thế giới Holly Krambeck cho biết: "Ở Chenggong, có hơn 100.000 căn hộ mới không có người sinh sống".
Được thiết kế như một vệ tinh của thành phố Côn Minh 6,5 triệu dân, Chenggong bắt đầu được xây dựng vào năm 2003. Những khối chung cư cao tầng mọc lên như nấm nhưng phần lớn đều bị bỏ hoang bởi Chính quyền không thể thu hút được người dân. Chenggong được mệnh danh là một trong những thành phố ma lớn nhất châu Á.
"Các vùng ngoại ô và thậm chí cả trung tâm thành phố cũng chẳng có lấy một mống người", Matteo Damiani, nhà báo người Ý nhận định. Ở đây thậm chí còn có cả sân vận động lớn, trung tâm mua sắm, hàng trăm tòa nhà và những khu biệt thự sang trọng đã hoàn thành, nhưng tất cả đều bị bỏ hoang.
Trung tâm mua sắm Dongguang, phía Nam tỉnh Quảng Đông
Nơi đây được mệnh danh là trung tâm mua sắm ma lớn nhất thế giới, hoặc cũng có thể gọi là trung tâm mua sắm vắng vẻ nhất thế giới. Lý do có thể được lý giải bởi diện tích rộng lớn của khu trung tâm này ở vùng ngoại ô thành phố Dongguang, một thành phố với 10 triệu dân sinh sống.
Với số dân đông như vậy, có thể đó sẽ là một trung tâm mua sắm lớn mạnh. Song thực tế thì đại đa số 1.500 gian hàng tại đây vẫn bị bỏ trống kể từ khi hoàn thành vào năm 2005. Các kiến trúc sư thiết kế thậm chí đã xây dựng một phiên bản cối xay gió Campanile như ở Quảng trường St Mark ở Venice và Arc de Triomphe giống ở Paris để nỗ lực thu hút người dân nơi đây. Tuy nhiên, mọi thứ đều không có tác dụng, một phần là do ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém.
Trang web của trung tâm mua sắm vẫn lạc quan cho rằng "chắc chắn sẽ có một phép lạ của lịch sử thương mại trong tương lai”.
Công viên giải trí Wonderland, Thị trấn Nankou, Trường Bình
Tương lai của công viên nằm ở phía bắc thủ đô Bắc Kinh này của Trung Quốc đã không thể phát triển như những lời hứa hẹn gần 20 năm trước đây, khi nó bắt đầu được xây dựng.
Các tòa lâu đài của Disney và hệ thống thành lũy mô phỏng thời trung cổ hoàn toàn bị bỏ hoang. Nông dân địa phương đã tranh thủ phát triển cây trồng trong các tòa nhà trống nơi đây. Từ giữa những năm 1990, các nhà xây dựng đã hứa hẹn sẽ xây dựng công viên giải trí lớn nhất ở châu Á, nhưng dự án này đã bị chững lại trong một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. Khu vực này thực tế cũng thu hút được các du khách, song rõ ràng là họ chỉ để tận mắt chứng kiến một công trình văn hóa đã bị hủy hoại và lãng quên.
Thị trấn Thames, Thượng Hải
Các nhiếp ảnh gia và những cặp vợ chồng sắp cưới đã đến thị trấn giống nước Anh này chỉ để chỉ để chụp ảnh cưới phía trước của tòa nhà Tudor với những bốt điện thoại công cộng màu đỏ đặc trưng.
Vùng ngoại ô của thành phố Thượng Hải này tự hào sở hữu lâu đài, nhà thờ gothic kiểu mới, những con đường rải sỏi, quán rượu, những ngôi nhà kiểu Georgia và những bức tượng của các nhân vật quan trọng từ lịch sử nước Anh như Winston Churchill, James Bond và Harry Potter .
Thị trấn Thames thực sự là một điểm thu hút với các ngành công nghiệp cưới. "Thành phố này là một thị trấn ma, với các cửa hàng và hệ thống đường bộ không được sử dụng".
Nguyên do của sự vắng vẻ này là bởi một số căn hộ đã được bán cho những người đầu cơ bất động sản. Thêm nữa, có lời đồn cho rằng một mô hình thị trấn Anh quốc khác đang được lên kế hoạch xây dựng gần thủ đô Bắc Kinh.
Khu vực thương mại mới Yujiapu,thành phố Thiên Tân
Nếu các nhà phát triển Trung Quốc có chiến lược tốt, cái tên Yujiapu có thể sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong vòng một thập kỷ. Họ nói rằng họ đang đặt nền móng cho khu tài chính lớn nhất thế giới ở thành phố cảng phía bắc Thiên Tân. Tuy nhiên, Reuters nhận định họ đã phải cơ cấu lại tham vọng của mình.