Cuộc đua tiêu tốn nhất
6 tỉ USD là tổng chi phí cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012. Đây là chi phí tốn kém nhất trong lịch sử chạy đua vào Nhà Trắng, vượt ngưỡng kỉ lục 5,2 tỉ USD cho kỳ tranh cử năm 2008.
Theo số liệu của trung tâm Responsive Politics, riêng cuộc chạy đua giữa Tổng thống Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Romney đã tiêu tốn 2,6 tỷ USD.
Tổng chi phí của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng còn bao gồm 2 tỷ USD từ các ứng cử viên Tổng thống, các ủy ban lớn của các đảng; 258 triệu USD của các nhóm bên ngoài chi cho giới chức liên bang; 142 triệu USD từ các ủy ban tổ chức đại hội đảng và công quỹ cho các đại hội toàn quốc.
Trong đó, khoản lớn nhất là chi cho các chiến lược quảng cáo trên truyền hình, báo giấy, radio, các trang mạng và áp phích trên đường phố…Ngoài ra, các khoản như chi phí đi lại, thư từ, điện thoại, chỗ ở và phục vụ ăn uống cho các nhân viên và tình nguyện viên trong các chiến dịch liên tục cũng chiếm một số tiền khổng lồ trong tổng chi phí này.
Theo trung tâm Responsive Politics, lương cho những nhân viên làm việc trong cuộc bầu cử này chiếm đến 54 triệu USD.
Diễn biến kịch tính nhất
Trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống năm nay, từ khi mở đầu đến khi kết thúc, người theo dõi đều khó có thể dự đoán người chiến thắng bởi sự sít sao và kịch tính đến nảy lửa.
Kết quả bỏ phiếu tại Dixville được thông báo với số phiếu “5 đều” cho cả hai ứng cử viên.
Trải qua hơn 1 năm tiến hành các chiến dịch tranh cử gắt gao, các hoạt động quảng cáo, tuần hành, cùng với 3 cuộc đối đầu trực tiếp nảy lửa, nhìn chung, cả hai ứng viên Mitt Romney và đương kim Tổng thống Obama đều được đánh giá là “một chín, một mười” trong rất nhiều lĩnh vực.
Cho đến tận phút chót, trước khi các địa điểm bỏ phiếu mở cửa, hai ứng viên vẫn tiếp tục các nỗ lực vận động tranh cử: Ông Obama có bài phát biểu kết thúc chiến dịch tái tranh cử tại Des Moines, bang Iowa tối 5-11, trong khi đó, ứng viên Đảng cộng hòa cũng tranh thủ ngay cả ngày bầu cử để tiếp cận các cử tri.
Kết quả bỏ phiếu ban đầu cho thấy, trong số 10 cử tri đi bỏ phiếu tại điểm đầu tiên là thị trấn Dixville Norch thuộc tiểu bang New Hamsphire, 5 người bỏ phiếu cho TT Obama và 5 người còn lại chọn Romney. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai ứng cử viên có số phiếu bầu bằng nhau tại điểm bỏ phiếu Dixville Notch – nơi nổi tiếng khắp nước Mỹ với việc các cử tri luôn đi bỏ phiếu sớm ngay sau nửa đêm.
Vào thời điểm bắt đầu bỏ phiếu chính thức, tỉ lệ ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống và cựu Thống đốc bang Massachussetts về cơ bản vẫn ngang ngửa nhau tại 4 bang then chốt, những nơi được cho là sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Kỷ lục bình luận trên mạng xã hội Twitter
Trong những ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, người Mỹ đã đổ xô lên mạng xã hội Twitter và một số trang web khác để đăng những tấm hình cho thấy họ đã bỏ phiếu, cổ vũ cho các ứng viên và bình luận về những hoạt động bầu cử gần nhất.
Trên tài khoản chính thức về chính trị và chính phủ ở địa chỉ @gov, Twitter đã thông báo rằng họ có hơn 2 triệu chia sẻ về ngày bầu cử. Đó là sự kiện được người dùng Twitter bàn luận sôi nổi nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.
Trang mạng xã hội Twitter còn tạo riêng một bảng thống kê về cuộc bầu cử Tổng thống.
Con số này đã lập một kỉ lục mới, vượt mức 10,3 triệu tin Tweet được gửi đi trong cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra hồi tháng trước. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của một số mạng xã hội trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khi mà cả hai ứng cử viên đều tích cực truy cập vào những trang như Twitter, Facebook…để phục vụ cho công tác vận động tranh cử của mình.
Cuộc bầu cử nhiều “sự cố” nhất
Một tuần sau khi siêu bão đi qua, một số địa phương của miền đông nước Mỹ vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn những hậu quả của bão. Nhiều người dân tại bang New Jersey đầu giờ ngày 6 tháng 11 đã tham gia bỏ phiếu trong bóng tối vì quên mang theo đèn pin để soi tên các ứng viên. Các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử tại bang New Jersey cũng phải tiến hành trong tình trạng mất điện.
Tại Pennsylvania, các cử tri muốn bỏ phiếu cho TT Obama đều phải hao tâm tổn sức vì những sự cố với máy bỏ phiếu. Theo một đoạn phim quay lại của một cử tri đến từ vùng này cho thấy, một chiếc máy bỏ phiếu đã bị lỗi khi anh ta cố chọn Tổng thống Barack Obama, nhưng lại bị tự động đánh dấu vào ứng cử viên Mitt Romney.
Điều này đã gây xôn xao dư luận và giới chính trị về động cơ của Mitt Romney khi gần đây, đã có những thông tin tiết lộ về việc gia đình ông Romney đầu tư gián tiếp vào một trong ba nhà máy lớn nhất sản xuất các máy bỏ phiếu của Mỹ.
Máy bỏ phiếu tự động đánh dấu vào tên Mitt Romney mặc dù cử tri chọn Barack Obama.
Ngoài ra, ở vùng ngoại ô bang Virginia, từng đoàn cử tri xếp hàng dài ở các điểm bỏ phiếu từ sáng sớm để nhanh chóng được vào bầu cử. Song nhiều cử tri đã chán nản khi bước vào phòng bỏ phiếu vì họ chờ đã quá lâu. Tình trạng này cũng xảy ra tại bang Florida khi khi một số cử tri phải xếp hàng dài và chờ đợi 7 - 8 tiếng đồng hồ và cuối cùng là quyết định bỏ về, không bầu cử.
Tại Pennsylvania, một số nhóm công nhân đã tổ chức chống lại cuộc bầu cử sau khi Ủy ban tổ chức bầu cử yêu cầu kiểm tra thẻ căn cước.
Số người đi bỏ phiếu sớm cao nhất
Khi các trung tâm bỏ phiếu của nước Mỹ mở cửa vào sáng 6/11 để quyết định ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng trong bốn năm tới, trên 1/3 số cử tri Mỹ đã đưa ra quyết định của mình theo điều khoản bỏ phiếu sớm trong luật bầu cử Mỹ.
Theo các số liệu mới nhất từ Ủy ban bầu cử Mỹ, có tới 40% cử tri đã bỏ phiếu sớm trong năm nay. Đương kim Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michell Obama cũng nằm trong số đó.
Rất nhiều người xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm khi trời còn chưa sáng rõ.
Bên ngoài các khu vực bỏ phiếu tại các bang trọng điểm như Florida và Ohio, người ta thấy có rất nhiều người xếp hàng dài chờ hàng tiếng đồng hồ để đến lượt bỏ lá phiếu của mình.
Ủy ban bầu cử Mỹ tin rằng số cử tri đi bỏ phiếu năm nay vượt kỷ lục 41 triệu được lập trong cuộc bầu cử năm 2008.