Cây duy nhất còn đứng vững sau khi
sóng thần quét sạch rừng thông 70.000 cây ở đông bắc Nhật Bản vào năm
ngoái hôm nay 12/9 bắt đầu được đốn hạ trong nỗ lực nhằm bảo quản vĩnh
viễn biểu tượng của niềm hi vọng ở đất nước mặt trời mọc.

"Cây thông của hi vọng" đứng vững giữa ngổn ngang tàn phá.
Cây thông được mệnh
danh là “cây thông kỳ diệu” bởi nó là cây duy nhất còn sót lại trong
rừng thông 70.000 cây khi cơn đại hồng thủy quét qua đông bắc Nhật. Tuy
nhiên, sau đó cây thông 250 tuổi đã ngày một héo mòn do cơn đại hồng
thủy đã làm đất bị nhiễm mặn.
Theo dự kiến cây
thông sẽ được xẻ thành nhiều mảnh và được xử lý trước khi được ghép lại
với nhau để nhằm gìn giữ mãi mãi biểu tượng của hi vọng, của sự quả cảm
vượt lên trên khó khăn ở Nhật. Dự án bảo quản này dự kiến sẽ tiêu tốn
khoảng 150 triệu Yên (1,9 triệu USD).
Một nghi lễ theo đạo
Shintoism dựa theo thuyết linh vật của Nhật đã được thực hiện đối với
cây thông trước khi tiến trình đốn hạ bắt đầu ở bờ biển Rikuzentakata, thành phố bị hư hại nặng trong thảm họa động đất/sóng thần tháng 3/2011.
“Tiến trình đốn cây sẽ
mất hai ngày hoặc hơn, bởi chúng tôi cần bắt đầu đốn cành trước để sau
đó những cành này có thể ghép trở lại cây”, Shinya Kitajima, quan chức
thành phố cho biết.
Ông cho biết thân cây
cao 27m sẽ được chia làm 9 phần và những phần này sẽ được khoét rỗng và
được xử lý chống thối trước khi được ráp nối lại nhờ “xương sống” làm từ
vật liệu carbon.
Sau khi quá trình bảo quản được hoàn thành, cây
thông sẽ được đặt trở lại đúng vị trí cũ, nơi từng có một rừng thông rậm
rạp.
Đầu năm nay những người
yêu mến cây thông đã mở một tài khoản trên facebook, kêu gọi đóng góp
cho công cuộc “ướp xác” cây thông. Và theo một quan chức thành phố
Rikuzentakata đến thứ hai vừa qua, họ đã quyên góp được gần 27 triệu
Yên.
Khoảng 19.000 người đã
thiệt mạng khi cơn “đại hồng thủy” đổ ập vào bờ 18 tháng trước, nhấn
chìm các cộng đồng dân cư ở bờ biển đông bắc Nhật.
Hàng trăm ngàn người
hiện vẫn không có nhà ở, do nhà của họ bị phá hủy hoặc do họ phải sơ tán
khỏi khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhà máy đã bị rò rỉ phóng xạ khi thảm họa xảy ra.