Tuyệt vọng vì không kiếm đâu ra tiền để điều trị cho con gái bị bệnh bạch cầu, Ma tìm đến cộng đồng mạng Trung Quốc và nhận được gần 16.000 USD từ những người xa lạ, tức là gấp đôi thu nhập một năm của cả gia đình.
Ma Chunhua và con gái Tao Jinyi, một tuổi, bị bệnh bạch cầu. Ảnh:WP
Chín tháng sau khi con gái của Ma Chunua ra đời, các vết thâm tím bắt đầu xuất hiện khắp cơ thể bé nhỏ của bé. Đầu năm nay, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh bạch cầu. Ma, một công nhân với đồng lương ít ỏi ở tỉnh Hồ Bắc, gần như tuyệt vọng bởi cô biết gia đình cô chẳng lấy đâu ra tiền để bé được điều trị bằng dịch vụ hóa trị và ghép xương để duy trì sự sống. Thế rồi, Ma tìm đến cộng đồng mạng Trung Quốc, đăng tải các bức ảnh từ bệnh viện và câu chuyện về hoàn cảnh của gia đình mình.
Ngày nay, khi gặp phải những hoàn cảnh khó khăn như trẻ em bị mồ côi, người lớn bị đánh tới gần chết hay học sinh bị bỏ đói trong trường, người dân Trung Quốc thường tìm đến một trang mạng xã hội gần giống như Twitter có tên là Weibo để kêu gọi tài trợ.
Deng Fei, một cựu phóng viên chuyên viết phóng sự điều tra, năm ngoái đã tổ chức một chiến dịch kêu gọi tài trợ các bữa cơm trưa cho học sinh nghèo ở nông thôn nói. Phong trào do Deng khởi xướng, được coi là chiến dịch thành công nhất trên Weibo cho đến nay, đã kêu gọi được hơn 6 triệu USD đồng thời khiến cho chính phủ Trung Quốc phải cam kết sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD cho bữa trưa của học sinh.
“Weibo là món quà tuyệt nhất mà ông Trời đã ban cho người dân Trung Quốc”, Deng nói.Vấn đề kiểm soát
Chỉ 4 năm trước đây, các hoạt động nhân đạo ở Trung Quốc tưởng như không thể thuận lợi hơn. Động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008 đã khiến cho nhân đạo trở thành vấn đề được cả quốc gia bàn luận, kéo mọi người lại gần nhau hơn với các hoạt động hỗ trợ cũng như cam kết giúp đỡ lên đến mức kỉ lục. Nhưng năm ngoái scandal đã nổ ra trong lĩnh vực này.
Sự việc bắt đầu từ một đoạn đăng tải trên Weibo của một phụ nữ trẻ. Người này tự nhận cô làm việc cho một tổ chức từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Người phụ nữ có tên Guo Meimei đã đăng tải các bức hình theo kiểu của cô đào Mỹ Paris Hilton về cuộc sống xa hoa của cô: tạo dáng trên mũi xe Maserati, tay mang những chiếc túi hàng hiệu Hermes.
Những bức ảnh của cô đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc nổi giận. Họ cáo buộc cô đã tham ô quỹ từ thiện. Các scandal khác cũng bắt đầu từ sự việc này. Tâm điểm của sự giận dữ là những nghi ngờ cách quản lý các quỹ từ thiện ở Trung Quốc.
Luật hiện hành của Trung Quốc không cho phép sự tồn tại của bất cứ nhóm phi chính phủ nào hoạt động từ thiện, trừ khi các nhóm này hợp tác với một cơ quan nhà nước.Và kể cả trong trường hợp hợp tác này, các tổ chức phi chính phủ cũng không được quyên góp tiền – một đặc quyền chỉ dành cho số ít các quỹ từ thiện do nhà nước quản lý. Các quỹ từ thiện này hiện đang bị nghi ngờ trước một loạt bê bối xảy ra.Và tổng số tiền đóng góp cho các quỹ từ thiện chính thức này đã tụt giảm trong vòng hai năm trở lại đây.
Minh bạch vẫn là mối lo ngại. Kể cả trong thời điểm này, tức là một năm sau bê bối của Guo Meimei. Hiện vẫn chưa có quy định nào yêu cầu các tổ chức phi chính phủ phải công khai tài chính. Đồng thời có vẻ như sẽ không có bất cứ thay đổi nào đối với việc chính phủ độc quyền kêu gọi từ thiện.
“Đó là vấn đề kiểm soát”, Jia Xijin, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Phi chính phủ thuộc đại học Thanh Hoa cho biết. “Trong con mắt của nhà nước, nguồn tài trợ xã hội là có hạn. Chính phủ đã xác định các hoạt động từ thiện và cả các đơn vị kêu gọi từ thiện một cách hợp lý, vậy nên họ cho rằng tiền từ thiện không thể chạy vào chỗ khác được".
Không bền vững
Cô gái xinh đẹp có nickname là Lu Ruoqing, bị bệnh bạch cầu, nhận được hơn một triệu tệ tiền tài trợ. Tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi liệu một cô gái kém xinh đẹp có thể được hỗ trợ nhiều đến vậy không. Ảnh:WP
Các hoạt động từ thiện trên Weibo còn rất mới mẻ, và bởi vì các khoản từ thiện thường được chuyển từ một cá nhân này tới một cá nhân khác, các chuyên gia không có cách nào nắm được tiền được sử dụng thế nào. Và kể cả có nắm được, số tiền từ thiện thông qua mạng xã hội này vẫn quá nhỏ so với nguồn tiền các tổ chức từ thiện nhà nước kêu gọi được. Tuy nhiên trong bối cảnh lĩnh vực từ thiện ở Trung Quốc còn đang trong quá trình phục hồi, Weibo hiện tại vẫn “nóng” và là nơi duy nhất đạt sự tăng trưởng trong lĩnh vực này.
Các sáng kiến về quy định cũng tăng tính pháp lý cho các hoạt động từ thiện trên Weibo. Kêu gọi từ thiện giữa các cá nhân là bất hợp pháp ở Trung Quốc, theo luật từ thiện của nước này. Tuy nhiên một số tổ chức phi chính phủ ở cấp địa phương đã bắt đầu áp dụng mô hình của Weibo vào các kênh kêu gọi từ thiện truyền thống và hợp pháp. Các nhóm này tìm các cá nhân đang cần sự giúp đỡ trên Weibo rồi sau đó hợp tác với các quỹ từ thiện của nhà nước, nhằm sử dụng tài khoản hợp pháp của các đơn vị này để thay mặt các cá nhân trên nhận tài trợ.
Những yêu cầu về tăng cường minh bạch đã bắt đầu được các nhà tài trợ quan tâm hơn. Bởi thế, một số người kêu gọi tài trợ trên Weibo đã đăng tải các biểu đồ khám bệnh, ghi chú của bác sĩ cũng như các hóa đơn bệnh viện để cập nhật cho những người ủng hộ về tình hình tiến triển của những người được giúp đỡ.
Nhưng cũng có những vấn đề về sự đồng cảm. Đó là trường hợp của một cô gái xinh đẹp có nickname là Lu Ruoqing. Cô gái này bị bệnh bạch cầu và nhận được tài trợ từ khắp nơi trên đất nước hồi đầu năm nay. Tuy nhiên một số thành viên của Weibo đã đặt câu hỏi liệu một cô gái kém xinh đẹp có thể thu được sự hỗ trợ nhiều đến vậy không.
“Đây là vấn đề chủ yếu của Weibo so với các tổ chức phi chính phủ,” nhà nghiên cứu Jia nói. “Tài trợ kiểu này không bền vững và không được quy định. Cũng có thể có các trường hợp tội phạm lợi dụng trang này để lừa. Và làm từ thiện kiểu này phụ thuộc hoàn toàn vào cái tâm của con người".
Theo bà Jia, nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội không thể giải quyết theo kiểu tùy hứng của cộng đồng mạng vốn thiếu ổn định và thiếu tổ chức. Nhưng những người như Ma và Yiyi, con gái bị bệnh bạch cầu của cô, không đồng tình với nhận định này. Với họ Weibo có ý nghĩa sống còn.
Kể từ khi Ma đăng tải thông tin về con gái mình hồi đầu năm nay, gia đình cô đã nhận được gần 16.000 USD từ những người xa lạ, tức là hơn gấp đôi thu nhập của cả gia đình trong một năm. Một số người từ tỉnh khác có cùng nhóm máu với cháu bé đã tìm đến để cho máu.
Trả lời qua điện thoại từ bên giường bệnh của cô bé tại một bênh viện ở Thượng Hải, Ma mô tả về sự giúp đỡ cô đã nhận được từ mọi người. "Họ bảo tôi rằng dù chuyện gì xảy ra cũng sẽ vẫn giúp đỡ", Ma nói. "Một số người tài trợ không chỉ một lần, và thỉnh thoảng tôi muốn bảo họ dừng lại, vì họ cũng không giàu có gì. Vả lại họ còn phải lo cho gia đình nữa… Họ đã cứu Yiyi, chứ không phải là nhờ vào một tổ chức từ thiện lớn, hay một bài báo lớn. Chỉ là những cá nhân đã tìm đến nhau trên mạng".