Người Hàn quay cuồng trong hàng hiệu

myle |

Nhiều người Hàn Quốc giờ đây coi những phụ kiện xa xỉ như đồng hồ, túi xách là thước đo đẳng cấp, sự giàu có.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1997, Lee Sang-kwon, 38 tuổi, nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bằng cách buôn bán đồ chơi và một vài mặt hàng giá rẻ khác trên đường phố Seoul.

nguoi-han-quay-cuong-trong-hang-hieu

Lee Sang-kwon và khách hàng trong cửa hiệu của anh ở "Khu Xa xỉ phẩm", Dongdaemun, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh:Yonhap

Ngay khi tiết kiệm được một khoản tiền vừa đủ, anh chuyển qua kinh doanh túi xách và đồng hồ hàng hiệu, nhằm đáp ứng thói quen tiêu dùng sính ngoại của người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào các sản phẩm nhập khẩu trực tiếp, Lee lại chọn cho mình một hướng đi khôn ngoan hơn, bằng cách trao đổi và buôn bán những món đồ hàng hiệu đã qua sử dụng.

Cuối những năm 90, người Hàn Quốc "lần đầu tiên được hưởng cảm giác "có tiền". Dù nắng hay mưa, nóng hay lạnh, tôi đều xuất hiện trên đường phố, trao đi những tấm danh thiếp và cố gắng quảng cáo cho công việc của mình", Lee nói.

Từ năm 2006, doanh số thường niên của những mặt hàng xa xỉ ở Hàn Quốc luôn tăng ít nhất 12% và ước tính đã đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2010.

Trong 4 tháng đầu năm 2011, doanh số ở các cửa hàng chuyên cung cấp dòng sản phẩm này đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2010. Cũng theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty tư vấn McKinsey, người Hàn Quốc trung bình chi khoảng 5% thu nhập của họ cho các mặt hàng xa xỉ. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 4%.

Lee hiện là chủ của ba cửa hàng chuyên cung cấp những món hàng hiệu đã qua sử dụng và một nhà hàng Nhật Bản hạng sang ở Gangnam, phía nam thủ đô Seoul.

Cửa hàng chính của anh, với mặt hàng chủ chốt là đồng hồ, tọa lạc tại "Khu Xa xỉ phẩm" ở Dongdaemun, bên cạnh các cửa tiệm cà phê đắt tiền, một nhà hàng Italy và một vài biểu tượng của các thương hiệu Hàn Quốc. Lee đã tiến một bước dài từ khi khởi nghiệp bán thú nhồi bông trên đường phố.

Gương mặt của mỗi khách hàng đến với cửa hiệu của Lee đều sáng lên khi bắt gặp những chiếc đồng hồ đắt tiền. Phần lớn trong số họ đến từ Hong Kong và Nhật Bản, bên cạnh những người Hàn Quốc đang tìm kiếm một món đồ hàng hiệu giảm giá để khẳng định đẳng cấp của bản thân.

Thay vì nhập khẩu trực tiếp từ những thương hiệu nước ngoài, Lee tìm tới các nguồn hàng đã qua sử dụng. Anh luôn có hứng thú với những chiếc đồng hồ có chi tiết tinh xảo và tính nghệ thuật cao, bởi theo anh, chúng sẽ không bị mất giá sau khi bị buôn qua bán lại và thậm chí đôi khi còn đạt được mức giá như hàng mới.

Tại cửa hàng ở Dongdaemun, mức giá sàn cho một chiếc đồng hồ là 1 triệu won, tương đương 896 USD. Chiếc đắt nhất có thể lên tới 200 triệu won.

Ngay cả khi đã thành công, Lee vẫn không cho mình quyền được hưởng thụ. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, anh bắt đầu thay đổi thói quen làm việc của mình. Dongdaemun là một khu chợ đêm, nên Lee thường làm việc từ chiều tới đầu giờ sáng. "Tôi từng làm việc tới khi kiệt sức, nhưng hiện tại, tôi chọn cách nghỉ cuối tuần".

Mỗi mặt hàng xa xỉ được bán ra đều mang lại một món hời khổng lồ cho các thương gia. Rất nhiều khách hàng luôn sẵn sàng rút hầu bao để có được sự kính nể đi kèm với các món đồ đắt tiền mà "hàng chợ" không thể mang lại. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng có đủ khả năng để mua về những món hàng ấy với mức giá thực của nó.

"Ở một đất nước như Hàn Quốc, một chiếc túi hiệu Louis Vuiiton hay đồng hồ hãng Rolex sẽ giúp chủ nhân của nó có được đẳng cấp vượt trội và sự kính nể của những người xung quanh. Vậy nên họ coi chúng quan trọng hơn bất cứ món đồ xa xỉ nào khác", Richard Meaders, giáo sư chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nói.

"Ở châu Âu, mọi người mua những thứ ấy vì chất lượng thực sự của chúng. Họ không mua một món hàng xa xỉ chỉ vì thương hiệu của nhà sản xuất hay đơn giản vì chúng đắt tiền", Meaders bình luận.

Hệ lụy của thói quen tiêu dùng này là sự gia tăng tỷ lệ nợ của người Hàn Quốc. Theo Tổ chức Kinh tế và Phát triển, tỷ lệ nợ tiêu dùng ở nước này đã lên tới 155% so với thu nhập, nghĩa là trung bình các gia đình Hàn Quốc đã chi hơn 1,5 lần thu nhập của họ cho mua sắm.

"Sự sợ hãi và thói quen tiêu dùng có liên quan tới nhau", Baek Sung-jin, người đứng đầu Hiệp hội tài chính Tiêu dùng, một nhóm chuyên tư vấn cách thức tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, nhận định. "Mọi người sợ nếu họ không có được những món đồ ấy, không ai sẽ muốn gặp gỡ hay làm bạn với họ."

Với Lee, khi được hỏi về việc liệu các khách hàng của anh có mua những thứ họ không đủ khả năng để chi trả, anh khẳng định:  "Tôi biết các khách hàng của tôi rất ổn. Tôi cũng làm việc với họ để tìm ra một món đồ tốt nhất. Thứ thích hợp nhất không cứ phải là thứ đắt nhất".

Đối với một số người Hàn Quốc, việc sử dụng những món hàng xa xỉ không phải để phục vụ sở thích hay mong muốn của chính bản thân họ, mà để tránh con mắt coi thường từ những người xung quanh.

"Tôi chưa từng hứng thú với những món đồ đắt đỏ cho tới khi kết hôn. Những phụ nữ khác luôn hỏi tại sao chồng tôi không mua cho tôi thứ này thứ nọ. Các bạn tôi đều nói rằng họ thấy tôi thật đáng thương, rằng tôi xứng đáng có được những món đồ đẹp đẽ, rằng chồng tôi chắc phải rất nghèo vì anh ấy không mua cho tôi những chiếc túi xách đắt tiền", một cô gái viết trên trang Naver.com.

Thậm chí nếu một cặp vợ chồng không sử dụng chiếc túi xách hay đồng hồ hàng hiệu nào, hình ảnh của họ trong mắt mọi người xung quanh có thể bị đe dọa. Cô gái nói trên viết: "Tôi cảm thấy tội lỗi vì khiến chồng tôi bị cho là không đủ khả năng mua cho vợ mình những món đồ đẹp đẽ. Tôi không mua những chiếc túi đắt tiền chỉ đơn giản vì tôi không thấy hứng thú với chúng. Nhưng chẳng ai chịu tin điều đó. Họ nói tôi chỉ đang lấy lý do để biện minh cho túi tiền của mình."


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại