Tri Ta, 39 tuổi, một biên tập viên báo chí và là thị trưởng lâm thời của thành phố, có thể làm nên lịch sử trong tuần sau nếu ông đáp ứng được kỳ vọng và thu hút được nhiều phiếu bầu nhất trong số 5 ứng cử viên chạy đua. Các đối thủ của ông gồm doanh nhân Al Hamade, Ủy viên hội đồng thành phố Penny Lommer, chủ doanh nghiệp Ha Minh Mach và một nhân viên kỹ thuật Tamara Sue Pennington.
Ta từng làm việc trong Hội đồng thành phố 6 năm và được đương kim thị trưởng Margie Rice, thị trưởng lâu năm nhất của thành phố, ủng hộ.
Biển hiệu vận động tranh cử chức thị trưởng thành phố trên đường phố Westminster. Ảnh:Los Angeles Times
Diện mạo của Westminster đã thay đổi sau nhiều năm và việc bầu ra một thị trưởng người Việt cũng đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong cộng đồng người Việt, Los Angeles Times dẫn lời Jeff Brody, người có nhiều nghiên cứu và theo dõi sự thay đổi của Little Saigon trong những năm qua, cho hay.
"Sự xuất hiện của một thị trưởng người Việt đã được chờ đợi quá lâu. Vì Westminster là một thành phố đa văn hóa, vì vậy ứng cử viên cần phải xây dựng được sự kết nối được các cử tri Việt Nam, Latin và cử tri da trắng", Brody nói.
"Một ứng cử viên không còn có thể dựa vào họ tên và chủng tộc để thu hút phiếu bầu. Những người nhập cư đã trưởng thành và sự đa dạng ở Westminster chứng tỏ một ứng cử viên thị trưởng phải đại diện cho lợi ích của toàn thành phố, chứ không chỉ là một nhóm cục bộ".
Trong cộng đồng mà người da trắng trung lưu chiếm phần đông, Westminster hiện trở thành thành phố không có dân tộc nào chiếm đại đa số, mà chỉ có số dân gốc Á chiếm 44%, theo số liệu điều tra dân số. Trong đó, hơn một phần ba trên tổng số 91.000 dân toàn thành phố là người gốc Việt. Vì thế, các ứng cử viên gốc Việt thường bị cho rằng sẽ chỉ chăm lo cho lợi ích của cộng đồng người Việt.
Tri Ta không nghĩ như vậy. "Tôi cảm thấy tôi là một người rất trung thực và công bằng. Tôi ở đây để phục vụ tất cả mọi người".
Bà Rice, 83 tuổi, nói rằng khi bà vận động Ta tranh cử vào chức vụ của mình, bà đã yêu cầu một điều kiện rằng phải duy trì các truyền thống hiện có của thành phố như tổ chức lễ kỷ niệm vụ tấn công 11/9, lễ Giáng sinh, lễ diễu hành đầy màu sắc nhân dịp Tết âm lịch.
"Tôi tìm kiếm một người am hiểu lịch sử và truyền thống của thành phố. Ông ấy có thể ít nói nhưng ông ấy cần phải mạnh mẽ khi cần thiết", bà Rice cho hay.
Đương kim thị trưởng Westminster cho biết đối thủ "nặng ký" nhất của Ta là Loomer, trợ lý quản lý thành phố trong 6 năm. Ta và Loomer từng giáp mặt nhau trong cuộc bỏ phiếu năm 2006 và 2010 và Ta đều giành vị trí cao hơn.
Lần này, dù ai chiến thắng thì cũng phải đối mặt với những khó khăn của thành phố. Chính quyền đã phải sa thải gần 70 quan chức và nhân viên để cắt giảm 3 triệu USD ngân quỹ, cân bằng ngân sách thành phố.
Tri Ta đến Mỹ năm 1992, dự định theo học ngành công nghệ thông tin. Sau bài kiểm tra môn chính trị học trong học kỳ đầu tiên, thầy giáo của Ta đã gọi ông đến và nói rằng ông có sở trường về lĩnh vực này. Sau đó Ta đã đổi chuyên ngành.
Ta từng là biên tập viên cấp cao cho tờ Viet Salon, một tạp chí về nghề làm móng chân móng tay và sống cùng gia đình tại Westminster. Ông là người gốc Việt thứ ba tranh cử chức vụ thị trưởng thành phố, hai người trước ông không thành công.
"Ta nên cẩn thận để tránh việc tranh giành quyền lực. Ông ấy cần phục vụ lợi ích của toàn thể thành phố chứ không phải từ cộng đồng mà ông ấy xuất thân. Đó không chỉ là niềm vinh dự mà là một công việc rất nặng nhọc, phục vụ cộng đồng", Tony Lam, chủ cửa hàng bánh mỳ, người gốc Việt đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố Westminster, gửi lời khuyên đến Ta.
Ông Lam ứng cử năm 1992 và phục vụ trong hội đồng thành phố một thập kỷ sau đó.
Nếu Ta trở thành thị trưởng Westminster nhiệm kỳ tới, cùng với cộng đồng người gốc Ireland, Do Thái, Italy... cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ xây dựng được bộ máy vững chắc trên quê hương mới.