Nỗ lực nhằm giải quyết bài toán chi phí lương hưu tăng cao, đáp ứng cho một xã hội đang già hóa, Hạ viện Quốc hội Nhật Bản hôm 2/8 đã chính thức thông qua dự luật tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc từ 60 lên 65 tuổi.
Theo luật hiện hành, chủ các công ty và doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định có thuê nhân viên của mình sau khi họ nghỉ hưu ở tuổi 60 tiếp nữa hay không. Luật mới tới đây thậm chí sẽ cho phép cả người lao động được chọn lựa tiếp tục làm việc đến tuổi 65 không.
Dự luật bổ sung bao gồm cả quyền của công ty, doanh nghiệp được yêu cầu người lao động nghỉ hưu ở tuổi 60 nếu họ gặp phải bất kì vấn đề gì về thể chất và tinh thần, gây ảnh hưởng đến quá trình công tác. Dù thế, các tổ chức hiệp hội tỏ ra hoài nghi về điều này, họ cho rằng dự luật là một bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ để bảo vệ người lao động.
Đại diện hội đồng các tổ chức thương mại, ông Motoaki Nakaoka nhận định rằng “những từ ngữ mơ hồ” trong dự luật sẽ tạo điều kiện cho các công ty loại bỏ những nhân viên có thâm niên và có quyền lực vẫn muốn duy trì vị trí của mình.
Ông Hisashi Inoue, đại diện một liên đoàn thương mại khác cho hay, dự luật không những chỉ thiếu sót mà còn chưa được cân nhắc đủ kĩ càng để đưa vào thi hành. Ông chia sẻ: “Quốc hội nên tham khảo thêm ý kiến của người lao động để xem dự luật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng lao động Nhật Bản”.
Tuy nhiên, là một người có tiếng trong giới doanh nghiệp, ông Keidanren lại cho rằng luật mới này sẽ cung cấp các công cụ bảo đảm quyền được thực hiện nguyện vọng tiếp tục làm việc đến tuổi 65 của người lao động.
Độ tuổi nghỉ hưu cũng như luật về lương hưu đã được đưa ra thảo luận khá lâu trong Chính phủ, các tổ chức và giới doanh nghiệp Nhật Bản khi mà vấn đề già hóa dân số gây sức ép lớn hơn bao giờ hết đối với nguồn tài chính của quốc gia này.
Theo dữ liệu từ văn phòng quốc hội ngày 1/10/2011, số dân trên 65 tuổi chiếm mức kỉ lục 23,3%. Con số này được cho là sẽ còn tăng lên đến 38,8% năm 2050.