Thượng Tướng Sergey Karakayev, giám đốc Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga cho biết trong 6 năm tới, Nga sẽ sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hạng nặng mới, có khả năng xâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tốt hơn. "Việc phát triển tên lửa đang tiếp tục và sẽ được hoàn thành vào năm 2018".
Ông Karakayev cho biết: "Nói về hiệu quả chiến đấu, cần phải nhấn mạnh rằng trước khi được phóng đi, khả năng của tên lửa mới là bất khả xâm phạm, đó là nhờ tính linh động của nó cũng như khả năng đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong vòng 15 - 20 năm nữa, cho tới khi cần có một cái khác thay thế".
Theo kế hoạch, ICBM có thể được đặt dưới lòng đất sẽ thay thế cho tên lửa R-36M2 ‘Voyevoda’, hay còn được NASA gọi là SS-18 Satan.
Tên lửa liên lục địa SS-18 Satan
Những thông tin này được đưa ra trong thời điểm Nga đang có những phản ứng trước kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai các phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở gần biên giới Nga. Động thái này được Nga cho là sẽ phá vỡ thế cân bằng về năng lượng hạt nhân toàn cầu hiện nay.
Tuyên bố của ông Karakayev cho thấy Nga vẫn coi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Hiện Nga cũng đang triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn gần biên giới phương Tây nhằm tiến hành các cuộc tấn công lá chắn phòng thủ tên lửa nếu cần thiết.
Mỹ khẳng định hệ thống của nước này là biện pháp tự vệ, chống lại các mối đe dọa từ một số quốc gia như Iran hay Triều Tiên, nhưng lại từ chối cung cấp cho Nga những sự đảm bảo có tính ràng buộc pháp lý rằng mục đích của hệ thống này chỉ có vậy. Nếu có được những đảm bảo này, Nga có quyền kiểm tra hệ thống cũng như tiếp cận các căn cứ quân sự khác.
Đầu tháng 8 mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đồng nghĩa với việc cuộc chạy đua vũ khí theo kiểu Chiến tranh lạnh sẽ trở lại, làm tổn hại tới sự ổn định có tính chiến lược.