Ngày 10/9, căng thẳng giữa Israel và Mỹ về cách thức đối phó với chương trình hạt nhân của Iran đã “dậy sóng” khi Washington từ chối lời kêu gọi tuyên bố “ranh giới đỏ” từ quốc gia đồng minh Trung Đông này.
Cả Mỹ và Israel đều thể hiện quyết tâm ngăn chặn Iran phát triển vũ trang hạt nhân nhưng ngày càng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy bất đồng giữa hai quốc gia về chiến thuật cũng như thời hạn đối phó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng coi việc ngăn chặn việc phổ biến vũ khí là vấn đề trung tâm trong chính sách ngoại giao của ông và cam kết ngăn chặn Iran gia nhập câu lạc bộ hạt nhân.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người luôn xem chương trình bom hạt nhân của Iran là một mối đe dọa hiện hữu đối với Israel đã bày tỏ lo ngại Tehran có thể đang ở “ngưỡng đột phá” về khả năng hạt nhân.
Một kỹ thuật viên Iran làm việc tại Cơ sở chuyển đổi Uranium ở Isfahan, cách Tehran 420 về phía Nam
Hôm thứ Hai (10/9) ông Netanyahu đã lên tiếng thúc giục Washington tuyên bố về “giới hạn đỏ” đối với thái độ của Iran. Theo đó, nếu Iran vượt qua ngưỡng này sẽ ngay lập tức phải gánh chịu hành động cứng rắng của quốc tế chẳng hạn như các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu.
“Iran sẽ không ngừng chương trình hạt nhân của mình trì phi nước này nhận thấy quyết tâm của các nước trên thế giới và một giới hạn đỏ rõ ràng cho chính họ”, Thủ tướng Israel phát biểu trên hãng thông tấn CBC của Canada.
Thế nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản đối yêu cầu trên từ phía Israel.
“Người Mỹ biết rằng Tổng thống đã nói một cách kiên quyết ông sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên.
“Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào cam kết của Tổng thống. Chúng tôi thấy chẳng ích gì khi chẻ nhỏ câu chữ, đặt ra thời hạn theo cách này hay cách khác, nghĩa là giới hạn đỏ”.
Mặc dù vậy, bà Nuland cũng cam kết sẽ tham vấn toàn diện với Israel về vấn đề này.