Một dân tộc dưới nắp bê tông

myle |

Hầm hố kiểu này chăng khắp đất nước như một mạng nhện kiên cố, bất kể đó là làng mạc, phố xá hay bãi biển.

Enver Hoxha trị vì Albania từ 1944 đến 1985, khi ra đi, ông để lại một di sản khá hi hữu: một mạng lưới hầm trú ẩn dày đặc, xây từ thập kỷ 1970-1980, đủ chứa ngót 3 triệu quốc dân nếu có chiến sự. Hôm nay các hầm bê tông đó vẫn sừng sững tồn tại như một lời cảnh báo từ quá khứ đau buồn.

Một công trình hy hữu

Một làn khói nhẹ bay lên từ dưới nắp hầm hình bán cầu gần bờ biển, úp trên công sự bê tông cốt thép đủ khả năng chịu được đạn đại bác. Lỗ châu mai nhỏ đen ngòm hướng ra biển Adriatic. Nhưng không ai nhìn thấy hoặc thậm chí nghĩ đến tàu chiến hay binh lính, thay vào đó là một người đàn ông vận quần bơi, không mang vũ khí.

Ông ta cúi nhòm vào lỗ châu mai và gọi: “Cho hai suất cá và khoai tây chiên!”. Đấy là một nhà hàng công sự giữa một rừng ô che nắng sặc sỡ và ghế nằm phơi nắng, có lẽ độc nhất vô nhị trên hành tinh này, chỉ tìm thấy ở Albania.

Khác với du khách, người bản địa chẳng ai ngạc nhiên về cái quán ăn kỳ lạ đó. Vì hầm hố kiểu này chăng khắp đất nước như một mạng nhện kiên cố, bất kể đó là làng mạc, phố xá hay bãi biển.

Có thể nhận ra nước cộng hòa trên bán đảo Balkan này từ trên ảnh vệ tinh qua đặc điểm khá khác đời đó. Không quốc gia nào lại có nhiều hầm trú ẩn như vậy, hôm nay chúng là tàn tích khó thu dọn từ Chiến tranh lạnh. Nhưng bỏ qua sự ngạc nhiên thú vị ban đầu của khách du lịch, mấy công trình kiến trúc kỳ dị ấy sẽ còn làm dân Albania đau đầu lâu nữa.

Vấn đề không chỉ là phí tổn đập phá rất cao, mà nó còn là kỷ niệm không lấy gì vui vẻ cho dân tộc nghèo khổ bên bờ Địa Trung Hải.

mot-dan-toc-duoi-nap-be-tong

Hầm bê tông ở bờ biển

Dự án hoang tưởng?

Riêng con số đã đủ làm người ta choáng: Trong vòng hai thập kỷ, ông Enver Hoxha đã cho xây 750.000 hầm trú ẩn, nghĩa là cứ 4 người dân có một cái.

Con số này cũng do sinh viên bỏ công ra đếm, chứ toàn bộ dự án “bê tông hóa” ấy được đóng dấu “tối mật”, hôm nay không tìm đâu ra bản đồ hay bản vẽ kỹ thuật.

Giờ đây những người trẻ tuổi chỉ còn biết đến Chiến tranh lạnh qua sách vở, song ngay cả trong thời kỳ quan hệ Đông - Tây còn căng thẳng cũng khó hiểu dự án quốc phòng mang màu sắc hoang tưởng nọ. Ông Hoxha lên ngôi từ sau cuộc chiến tranh du kích từ 1939 xua được quân xâm lược Ý khỏi bờ cõi.

Tuy nhiên mối nghi ngại trước người hàng xóm bất hảo không bao giờ nguôi, thậm chí còn gộp thêm cả Hy Lạp và Nam Tư dưới thời Tito. Dần dần, Albania bãi bỏ quan hệ với các quốc gia khác và trở thành một ốc đảo tự nguyện bế quan tỏa cảng, chủ trương tự sản tự tiêu về kinh tế và quân sự.

Do nhìn nhận sự đe dọa đến từ Liên Xô lẫn Mỹ, các vườn trẻ Albania bắt đầu dạy cho trẻ em 3 tuổi phải “cảnh giác trước thù trong giặc ngoài", ví dụ mọi gia đình trữ sẵn nhiều cây vót nhọn để buộc lên cành cây, phòng khi có quân xâm lược nhảy dù.

Nhưng biện pháp quan trọng nhất vẫn là hệ thống khổng lồ các hầm trú ẩn và địa đạo ngầm nối giữa chúng, một số trong đó bảo đảm sinh tồn sau một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử.

mot-dan-toc-duoi-nap-be-tong

Hầm được dùng làm... nhà nghỉ

Theo tường trình trên tờ Philadelphia Inquirer, từ 12 tuổi trở đi học sinh Albania phải học bắn tỉa từ hầm bê tông ra. Hai lần trong tháng tổ chức tập dượt, cũng để nhắc nhở người dân luôn giữ gìn hầm hố trong tình trạng sẵn sàng.

Cũng phải nói thêm là người ta chỉ cần làm vệ sinh, chứ các công sự đó được coi là bất khả công phá; người dân truyền miệng là các kỹ sư thiết kế còn tự nguyện đứng dưới căn hầm đường kính 3 mét khi xe tăng thử bắn đạn thật lên nóc để chứng tỏ chất lượng kiên cố. Sau “thử nghiệm"kinh hoàng đó, hầm hố được xây hàng loạt.

“Chúng tôi phải cam đoan chất lượng cho từng công trình đơn lẻ, bằng cách đưa vào hầm một số súc vật và người để thử", cựu kỹ sư trưởng Josif Zegali ở Bộ Quốc phòng ngày ấy kể cho báo Nasa Borba biết, “chỉ có vũ khí hạt nhân là không đem ra dùng thôi”.

Thoạt tiên Zegali rất kiêu hãnh về thành tích của mình và ông cũng từng có kinh nghiệm lâu năm: trong Đệ nhị thế chiến ông đã là một du kích kỳ cựu tham gia chiến tranh vệ quốc, sau đó qua tu nghiệp ở Viện hàn lâm quân sự Moskva trước khi lãnh hàm kỹ sư trưởng.

14 mề đay lấp lánh trên tường phòng khách và một lần đề cử danh hiệu “Anh hùng quân đội“ là minh chứng cho đường binh nghiệp xán lạn.

mot-dan-toc-duoi-nap-be-tong

Trang trí cho trẻ con vườn trẻ chơi

Đoạn kết buồn

Nhưng rồi các hào quang đó cũng không tránh được cho ông đại tá số phận long đong: 1974 ông sa vòng lao lý, hai con gái bị giam lỏng, vợ và con út bị đuổi khỏi nhà. Người ta nghi Zegali là gián điệp của nước ngoài tung vào nhằm phá hoại, vì ông tổ chức xây hầm trú ẩn quá lề mề. Mãi 1982 ông mới được tự do.

“Ngày ra tù, tôi sửng sốt nhìn thấy cả nước chi chít hầm bê tông", Zegali nhớ lại. Ông viết tâm thư cho Hoxha, khuyên chấm dứt ngay công việc vô nghĩa đó. Ba tuần sau Zegali lại tra tay vào còng lần nữa.

Kỹ sư trưởng Zegali không phải nạn nhân duy nhất: sếp của ông là Bộ trưởng Quốc phòng Beqir Balluku cũng công khai nghi ngờ ý nghĩa của hệ thống phòng thủ kỳ quái đó. Hai sĩ quan cao cấp khác phụ họa, cho rằng đồng thời chống cả Mỹ lẫn Liên Xô là một quan điểm sai lầm. Cả ba đều bị tòa án binh đem ra xử bắn.

Cơn ác mộng trên đất Albania chỉ chấm dứt sau khi Hoxha qua đời năm 1985. Công bằng mà nói, hệ thống hầm hố bê tông ấy cũng đã một lần phải chứng minh công dụng, khi người dân gần biên giới Nam Tư tìm chỗ trú ẩn trước pháo binh Serbia trong cuộc nội chiến Kosovo.

Hôm nay Albania không có đủ tài lực để phá dỡ hệ thống hầm kiên cố, do đó một số ít được dùng làm kho, chuồng gia súc hoặc quán hàng.

Ở Thủ đô Tirana, ông thị trưởng nghĩ ra một giải pháp khá độc đáo: ông cho sơn lòe loẹt tất cả các nắp hầm dọc đường từ sân bay về trung tâm, cốt để khách du lịch khỏi giật mình trước những vết mụn nhọt bê tông “không giống ai“ ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại