Il Woo Park, 64 tuổi, mang quốc tịch Hàn Quốc với quyền định cư hợp pháp vĩnh viễn tại Mỹ và hiện sinh sống tại khu vực Thượng Manhattan, thành phố New York.
Căn cứ theo hồ sơ tòa án, bản tin thời sự và các giấy tờ đăng ký với chính quyền Mỹ mà TPM thu thập được, Park có các mối quan hệ sâu rộng với Triều Tiên, Hàn Quốc và FBI.
Tuy nhiên bản chất mối quan hệ của người này với chính phủ Mỹ và hai miền Triều Tiên rất mù mờ và có lẽ là "độc nhất vô nhị", TPM cho hay.
Bắt tay với gián điệp Hàn Quốc
Park hiện điều hành một công ty có tên là Korea Pyongyang Trading U.S.A., có trụ sở đặt tại Manhattan, theo hồ sơ tòa án mà TPM có được.
Công ty này chuyên mua rượu soju của Triều Tiên về bán tại Mỹ.
Vào ngày 18.7.2007, Park phải hầu tòa với tội danh nhiều lần lừa dối các nhân viên FBI đang tham gia chiến dịch điều tra các điệp viên Hàn Quốc sống lén lút tại Mỹ, theo TPM.
Một ngày sau đó, tại phiên xét xử, Park thú nhận có hợp tác với các sĩ quan tình báo Hàn Quốc, TPM dẫn lời công tố viên liên bang Edward O’Callaghan cho biết.
“Bị cáo đã thú nhận có gặp gỡ các quan chức Hàn Quốc trong vài năm và FBI biết những quan chức này là sĩ quan tình báo của chính phủ Hàn Quốc. Bị cáo cũng thú nhận có nhận nhiệm vụ thu thập thông tin từ các quan chức Triều Tiên và giao các thông tin này cho các quan chức Hàn Quốc mà bị cáo có quan hệ”, ông O’Callaghan nói về Park tại phiên xét xử.
Công tố viên này cũng nói rằng Park đã thú nhận được phía Hàn Quốc trả công cho các nhiệm vụ được giao với số tiền có trị giá bằng “gần như toàn bộ thu nhập của ông ta”.
Hồ sơ tòa án cũng cho thấy cảnh sát Mỹ đã tìm thấy những phong bì đựng hàng ngàn USD tiền mặt khi lục soát căn hộ của Park.
Vào ngày 14.12.2007, Park nhận tội và phần thương lượng về lời khai của ông này lập tức được niêm phong, đồng thời được tách khỏi hồ sơ lưu trữ về vụ xét xử của tòa.
Với tội danh ba lần đưa ra những thông tin sai lệch cho cơ quan điều tra, lẽ ra Park phải ngồi tù với mức án tối đa có thể lên đến 15 năm và phải chịu khoản tiền phạt tối đa là khoảng 250.000 USD, cùng ba năm “tại ngoại có giám sát” của cơ quan an ninh.
Tuy nhiên, vào ngày 18.4.2008, ông này chỉ bị tuyên phạt 18 tháng tù treo và phải nộp vỏn vẹn 300 USD tiền phạt.
Trong thời gian thụ án tù treo, chính phủ Mỹ cùng với luật sư của Park đã vận động để ông này được cho phép đi Triều Tiên và Trung Quốc năm lần.
Cả FBI và Văn phòng Công tố Mỹ tại New York đều từ chối bình luận về bản án dành cho Park, theo TPM.
Phái đoàn ngoại giao Triều Tiên thường trú tại Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York cũng đã từ chối bình luận về Park hay vụ việc liên quan đến ông này.
Triều Tiên “khoan dung” với gián điệp Hàn Quốc
Phản ứng của Triều Tiên khi biết Park có dính líu đến tình báo Hàn Quốc có lẽ còn bất thường hơn so với cách mà chính phủ Mỹ xử lý ông này, TPM cho biết.
Dù có nắm bắt được thông tin về lời khai của Park, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cho phép người đàn ông này có mặt tại Triều Tiên và thậm chí còn thắt chặt quan hệ với công ty của Park.
Vào năm 2011, Triều Tiên đã ký một thỏa thuận giao cho Công ty Korea Pyongyang Trading U.S.A. thầu dự án phát triển một khu nghỉ mát tại khu vực đồi núi nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 64 km.
Không chỉ cho phép Park có mặt tại Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng vào tháng 8.2012 còn gia hạn giấy phép kinh doanh rượu soju của ông này đến năm 2016, theo Bloomberg.
Đặc vụ FBI William Smith cho biết Park khoe với các nhân viên điều tra rằng mình “là người quan trọng đối với chính quyền Triều Tiên”.
Khi được kể rằng Park vẫn duy trì được quan hệ với quan chức chính phủ Triều Tiên ngay cả sau khi việc “đi đêm” với tình báo Hàn Quốc của ông này bị bại lộ, James Person, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, nơi tập trung các nhà phân tích Mỹ chuyên nghiên cứu các chính sách trên toàn cầu, đã phải thốt lên với TPM rằng ông chưa từng thấy một sự việc kỳ lạ nào như thế này trước đây.
Bán hàng Triều Tiên tại Mỹ bất chấp lệnh cấm vận
Korea Pyongyang Trading U.S.A. được thành lập tại Manhattan, New York (Mỹ) vào năm 2004.
Sản phẩm “Rượu Soju Bình Nhưỡng” của công ty này có mặt tại thị trường Mỹ vào giữa năm 2007.
Trong khi đó, lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên nghiêm cấm “việc nhập gián tiếp hoặc trực tiếp hàng hóa, dịch vụ và kỹ thuật của Triều Tiên vào Mỹ” mà không có giấy phép của Bộ Ngân khố Mỹ.
TPM cho biết Bộ Ngân khố Mỹ đã từ chối xác minh việc Park có giấy phép nhập khẩu rượu Triều Tiên hay không, viện dẫn quy định không bình luận về “các quyết định phê duyệt hay bác bỏ loại giấy phép cụ thể vì lý do bảo vệ quyền riêng tư và bí mật thương mại”.
Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu kinh doanh rượu soju, Park đã nói với các hãng tin tại Trung Quốc và Triều Tiên rằng ông ta có giấy phép bán rượu tại Mỹ, theo TPM.