Nếu được sự đồng thuận của Quốc hội và Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc có thể sớm rao bán các cỗ máy chiến tranh điều khiển từ xa cho các đồng minh của mình. Từ năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên danh sách 66 quốc gia mà họ hi vọng sẽ có thể bán máy bay không người lái qua đó.
Máy bay không người lái của Mỹ.
Việc bán máy bay không người lái cho các nước khác có vẻ là lựa chọn được khá nhiều quan chức Washington ủng hộ, đặc biệt là những người lo lắng rằng việc cắt giảm ngân sách theo dự kiến có thể khiến ngân sách của Lầu Năm Góc mất đi khoảng vài tỉ trong thập kỉ tới.
Năm ngoái, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã đạt tới con số kỉ lục 66,3 tỉ USD nhờ vào việc bán sang các nước đồng minh. Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ mới công bố tháng trước cho biết con số này có thể được tiếp tục duy trì, đặc biệt là khi danh sách vũ khí được xuất khẩu sang các nước đồng minh có máy bay không người lái.
Đầu năm nay, ông Richard Genaille, Phó giám đốc Cơ quan hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ của Lầu Năm Góc cho biết: "Chúng tôi không thực sự có một chính sách chính phủ toàn diện" về việc xuất khẩu máy bay không người lái, song trên thực tế đã có một chính sách được áp dụng. "Nó không tiến triển nhanh như chúng tôi mong muốn, nhưng chúng tôi không từ bỏ".
Hồi tháng 5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul từng phát biểu với hãng tin nhà nước Andolu rằng Nhà Trắng đã thể hiện "lập trường tích cực" trong việc bán máy bay không người lái, và "họ đang cố gắng thuyết phục Quốc hội".
Việc sử dụng máy bay không người lái đang trở thành một vấn đề gây tranh luận nhất về quân đội Mỹ. Nhiều nhóm quan sát viên đã lên án việc sử dụng loại máy bay này vì cho rằng nó đã gây ra cái chết của hàng trăm dân thường vô tội. Cuối tuần qua, một chiếc máy bay không người lái của Mỹ tại Yemen đã giết hại 13 dân thường.