Lăng trì - hình thức cực hình man rợ nhất thời Trung cổ
Lăng trì (còn gọi là tùng xẻo, xử bá đao) là hình thức xử tử tàn độc, dã man và ghê rợn bậc nhất thời trung cổ. Lăng trì xuất hiện từ khoảng những năm 900 ở Trung Quốc và tồn tại cho đến khi được bãi bỏ năm 1905.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet).
Dựa theo những bức tranh vẽ và sách xưa viết lại thì thường phạm nhân sẽ bị trói vào cột, đao phủ nghe hiệu lệnh bằng tiếng trống và chặt hết tay chân rồi dùng dao sắc xẻo từng miếng thịt cho đến chết. Tùy theo từng nơi, từng luật mà quy định mà phải sau đúng bao nhiêu nhát xẻo thì nạn nhân mới được chết.
Thịt bị lóc ra sẽ được trưng bày nơi công cộng với mục đích răn đe dân chúng. Có những nơi nhân đạo hơn, phạm nhân sẽ được sử dụng nha phiến trước khi hành hình để làm nhẹ bớt cơn đau đớn. Hình phạt này áp dụng cho người sống và cả người đã chết nhằm mục đích lăng nhục.
Tứ mã phân thây
Đây là hình phạt mà tứ chi của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào bốn con ngựa. Trên ngựa có thể có nài ngựa hoặc không. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng còn không có nài ngựa thì người ta sẽ hét lớn hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Từ đó bốn sợi dây sẽ kéo tứ chi phạm nhân đến khi thân thể của phạm nhân bị xé thành năm mảnh gồm đầu, thân và tứ chi. Phạm nhân sẽ bị bỏ mặc cho máu chảy đến chết.
Tranh Martyrium of the Hippolyt của Dieric Bouts, diễn tả một người đang bị tứ mã phân thây
Hình phạt này còn có một biến thể khác là ngũ mã phân thây với con ngựa thứ năm cột vào cổ phạm nhân. Hình phạt này cũng được áp dụng khá rộng rãi ở một số nước châu Á, châu Âu thời cổ đại, là một niềm khiếp sợ đối với phạm nhân và những người chứng kiến.
Lột da đến chết
Kiểu hành hình này được thực hiện nhiều nhất ở Trung Đông và châu Phi cách đây khoảng 1000 năm. Đối tượng phải chịu hình phạt này là các loại tội phạm, tù binh và những người bị cáo buộc sử dụng ma thuật.
Sau khi được treo lên giá, quá trình “tước” da sống bắt đầu và cái kết thúc của án hình là nạn nhân sẽ phải chịu đau đớn cùng cực cho đến chết, bộ da của họ được “đính” lên tường như một lời cảnh báo cho những ai dám cả gan coi thường luật pháp. Hình phạt này là một niềm khiếp sợ đối với cả phạm nhân và những người chứng kiến.
Voi giẫm đến chết
Tồn tại khá phổ biến hàng mấy nghìn năm trong hệ thống thực thi pháp luật ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, án hình voi giày là cách người ta huấn luyện những con voi biết giết người, áp dụng cho những tử tội chống lại triều đình hay những phe phái phiến loạn bằng cách để chúng dùng chân giẫm lên cơ thể phạm nhân hay dùng vòi cuốn nạn nhân lên cao và quật xuống đất.
Ngoài ra, người ta còn dùng những phiến đá nặng đè lên ngực hay toàn thân phạm nhân khiến họ ngạt thở và chết từ từ sau đó.
Trong hàng nghìn năm xã hội loài người chưa tiến đến văn minh, còn có rất nhiều hình phạt tàn độc khác nữa như ném đá tới chết, xiết đai diêm vương, chặt ngang lưng, tự rạch bụng, bị ép phải đấu gươm, đấu súng... Cùng với sự tiến bộ của loài người, công lý cũng được thực thi một cách nhân đạo hơn.