Kiều bào làm sứ giả về chủ quyền biển đảo Việt Nam

daquynh |

Mỗi người Việt ở nước ngoài đều có thể là cầu nối tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam.

Chiều 28/9, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã hâm nóng không khí Hội nghị người Việt ở nước ngoài bằng báo cáo về Trường Sa và tình hình Biển Đông. Trước đại biểu kiều bào, ông Tuấn khẳng định, Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm chủ quần đảo Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn giải thích, do điều kiện khó khăn trong từng giai đoạn lịch sử, Việt Nam đã không thể giữ trọn tất cả các đảo. Tuy nhiên từ năm 1988 đến nay, Việt Nam không để mất một tấc biển đảo nào. Ông kêu gọi bà con kiều bào tin tưởng vào quyết tâm giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đặc biệt là các quần đảo trên Biển Đông.

Việt kiều đã quyên góp được hơn 20.000 USD ủng hộ Trường Sa sau bài phát biểu của thiếu tướng. Các đại biểu kiều bào còn góp ý kiến, nêu quan điểm về việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

Trao đổi với báo chí , ông Nguyễn Văn Khoái, kiều bào Đức, chia sẻ ông rất tâm đắc khi Chính phủ cử lãnh đạo phản hồi trực tiếp về tình hình biển đảo cho bà con Việt kiều. "Trường Sa là của Việt Nam, có bằng chứng lịch sử lâu đời. Đồng bào trong và ngoài nước cần kết hợp lại, cùng tìm cách gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải", ông nói.

kieu-bao-lam-su-gia-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam

Kiều bào được ví như sứ giả kết nối sự ủng hộ của bạn bè thế giới trong đàm phán đa phương về chủ quyền lãnh hải trên biển Đông.

Theo ông Khoái, Việt Nam từng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối với tranh chấp biển đảo trên Biển Đông, người Việt trong và ngoài nước có thể tranh thủ tình cảm của bạn bè thế giới, vận dụng các quy định, luật lệ biển quốc tế, thậm chí đệ trình lên Liên Hiệp Quốc để tìm sự ủng hộ. Ông Khoái cho rằng kiều bào sẽ là sứ giả tuyên truyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra bạn bè thế giới, đây là sức mạnh vô hình nhưng rất to lớn.

Ông Vũ Đình Yến, 63 tuổi là Việt kiều Thái Lan bộc bạch: "Tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng không quên cội nguồn là người Việt và luôn theo dõi tình hình ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa của Việt Nam".

Ông Yến cho biết vẫn thường xuyên cập nhật thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các phương tiện truyền thông. Trong những chuyến đi về giữa Việt Nam và Thái Lan, ông còn vận động người Việt trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ vật chất cho các chiến sĩ ở Hoàng Sa để họ yên tâm bảo vệ biển đảo.

"Không nên dùng vũ lực giải quyết tranh chấp các quần đảo trên Biển Đông. Việt kiều cần cùng với nhân dân trong nước tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực để giải quyết tranh chấp này trên bàn đàm phán đa phương", ông nói.

Còn Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam ở Hungary, Phạm Ngọc Chu chia sẻ: "Cộng đồng kiều bào ở nước ngoài rất quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường đàm phán đa phương".

Theo ông Chu, tranh chấp biển đảo đang xảy ra khắp nơi, ở nhiều quốc gia và khắp các châu lục chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, với mối quan hệ láng giềng Việt - Trung, cần chọn hướng giải quyết tranh chấp ít gây ra tổn thương cho nhân dân hai nước. Ông Chu cho rằng, gây áp lực về ngoại giao và mở rộng tầm ảnh hưởng của Biển Đông với cộng đồng quốc tế cũng là một trong những cách giải quyết tranh chấp ôn hòa và khả thi.

Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Tạ Nguyên Ngọc cho biết: "Bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã nói thay nỗi lòng của nhiều người Việt xa xứ hướng về quê hương".

Theo ông Ngọc, người Việt đang sống ở khắp nơi trên thế giới có nhiều mối quan tâm về cội nguồn dân tộc như: kinh tế, chính trị, văn hóa... Trong đó, vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đặc biệt được kiều bào chú trọng. Tuy nhiên, do ở xa nên bà con bị thiếu hoặc chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin chính thống. Vì thế, bài phát biểu trực tiếp của Thiếu tướng đã giải tỏa được phần nào những lo lắng của kiều bào trước những thông tin không chính xác ở bên ngoài.

"Đây không chỉ là dịp Việt kiều gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội đầu tư mà còn là kênh liên kết cộng đồng người Việt trên thế giới chung tay, góp sức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với bạn bè quốc tế", ông Ngọc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại