Không chỉ có các nhà nghiên cứu, học giả lâu năm nghiên cứu về biển và luật biển của Việt Nam, Philippines cùng các nước liên quan đến vùng tranh chấp trên khu vực biển Đông kịch liệt lên án chính sách tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Mà nước này còn nhận được rất nhiều lời cảnh báo vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về luật biển từ rất nhiều các nhà nghiên cứu Quốc tế, trong đó có cả các học giả của chính Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc nhiều lần bác bỏ "đường lưỡi bò"
Học giả Lý Lệnh Hoa (Li Linghua), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã có nhiều bài phát biểu thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề Biển Đông, bác bỏ cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”).
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, 66 tuổi, cựu nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc . Ảnh:Blog.sina
Theo những nghiên cứu của ông, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục. Cái gọi là 'đường lưỡi bò' này chỉ là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và không được các quốc gia khác công nhận.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838 khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Ông Lý cho rằng vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của "đường lưỡi bò", ông Lý viết.
Ngoài ra, còn rất nhiều học giả quốc tế phản bác các luận điệu của Trung Quốc về "cơ sở lịch sử" của đường lưỡi bò mà họ 'tự nghĩ ra'.
Học giả Quốc tế đồng loạt phản đối TQ trong Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông
Trong Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông đang diễn ra tại Washington, Mỹ. Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ đã bày tỏ sự không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò liên quan tới lịch sử.
Ông nói: "Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS".
Tiến sĩ Dutton cũng nói rằng, việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).
Tàu hải giám của Trung Quốc ở biển Đông.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng, việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.
Nhà ngoại giao Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc nên biết dừng lại đúng lúc
Mới đây nhất, hôm 30/7 nhà ngoại giao Ấn Độ RS Kalha đã kỳ công điểm lại chuỗi những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc.
Từ việc thành lập thành phố Tam Sa đến việc cử quân đồn trú tại đây, và chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ cực kỳ khó khăn để có thể bảo đảm an ninh cho lực lượng đồn trú.
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trụ sở trên đảo Phú Lâm của Việt Nam
“Tất cả những gì cần thiết là một tên lửa dẫn đường bằng laser bắn từ dưới biển để biến đơn vị đồn trú của Trung Quốc tan thành khói. Họ sẽ không bao giờ biết phe tham chiến nào bắn nó. Vì thế, người Trung Quốc sẽ tìm ai để trả đũa?”, ông Kalha viết.
Theo ông Kalha, trước những hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực sẽ đoàn kết hơn nữa để chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và chào đón sự hiện diện và giúp đỡ về quân sự của Mỹ.
“Vẫn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra hành động điên rồ của họ và rút khỏi những hòn đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS)”, ông Kalha cảnh báo.