Trong buổi nói chuyện và phỏng vấn toàn cầu được thực hiện tại Bảo tàng Newseum ở Washington, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình và khán giả khắp thế giới.
Bà Clinton, người đã đi khắp thế giới trong suốt thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ, có 1.700 cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo thế giới và ăn 570 bữa trên máy bay, đã không rời chỗ ngồi trong “chuyến đi” kéo dài cả tiếng đồng hồ tại Bảo tàng Newseum.
Đó là một trong những hoạt động cuối cùng của bà Clinton trước khi từ chức vào 1/2 tới sau 4 năm giữ chức ngoại trưởng. Người thay thế bà là Thượng nghị sĩ John Kerry, người đã được quốc hội Mỹ phê chuẩn hôm qua.
Trong buổi nói chuyện toàn cầu lần thứ 59, bà Clinton cho hay bà đã làm được những điều mà bà mong muốn nhất. “Tôi đã được nghe ý kiến của mọi người cũng như các câu hỏi của họ. Và đó là sự kết nối 2 chiều thú vị”.
Trả lời các câu hỏi được độc giả gửi tới từ mọi lục địa và thành phố trên khắp thế, từ Beirut tới Tokyo, từ London tới New Delhi, từ Bogota tới Lagos, bà Clinton đã bị “chất vấn” về nhiều vấn đề nóng trong thời gian tại vị.
Thậm chí còn có email từ một nhà khoa học Chile đang công tác tại Nam Cực, hỏi về ý định tương lai của Mỹ đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản ở đó. Câu trả lời là “chúng tôi vẫn đang xem xét chuyện đó”.
Bà Clinton tỏ ra hào hứng với câu hỏi trên, khi nói vui rằng: “Đó là lục địa mà tôi chưa từng tới, tôi thấy rất ghen tị khi bạn được tới đó”.
Về mối đe doạ từ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, bà Clinton nhất trí rằng lịch sử đã không chú trọng đầy đủ đối với khu vực Bắc Phi.
Tuy nhiên, sau làn sóng “Mùa xuân A-rập”, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm nói rằng bà “cũng vui khi nhìn thấy người dân Bắc Khi sau nhiều thập niên bị áp bức đang tìm đường để tiến tới nền dân chủ”.
Về tiến trình hoà bình Trung Đông, bà Clinton tin rằng cuộc bầu cử gần đây tại Israel sẽ “mở ra các cánh cửa chứ không đóng chúng lại”.
Bà Clinton cũng ca ngợi mối quan hệ với Nhật Bản, nhưng lấy làm tiếc rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không chấm dứt sự cô lập với thế giới bên ngoài.
Ngoại trưởng Mỹ cho hay một trong những điều bà cảm thấy tiếc nhất là cái chết của 4 người Mỹ trong vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya hồi tháng 9 năm ngoái.
Và bà Clinton cũng tiết lộ rằng ngoại trưởng Mỹ mà bà ngưỡng mộ nhất là William Seward, người từng tranh ghế tổng thống với Abraham Lincoln rồi sau đó lại phục vụ dưới nhiệm kỳ của ông.
Nhiều khán giả cũng hỏi về kế hoạch tương lai của bà Clinton, một cựu đệ nhất phu nhân và thượng nghị sĩ New York.
Chắc chắn bà Clinton sẽ có một cuốn hồi ký nữa. “Nhưng tôi chưa biết sẽ nói gì trong đó”, bà đáp bằng một nụ cười.
Và mặc dù cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 không còn xa nhưng bà Clinton - vẫn khéo léo như thường lệ - đã từ chối trả lời câu hỏi liệu có tranh cử hay không.
“Hiện tại tôi không nghĩ tới bất kỳ điều gì như thế. Tôi đang đợi hoàn thành nhiệm kỳ với tư cách là ngoại trưởng Mỹ và bù lại khoảng 20 năm thiếu ngủ”, bà Clinton nói.
Tuy nhiên, bà Clinton cũng khẳng định với khán giả rằng sẽ tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ.
“Đó là sự nghiệp của đời tôi và sẽ tiếp tục như vậy khi tôi không còn làm ngoại trưởng vì chúng ta đang làm tổn thương lẫn nhau”, bà nói.
Lên án cái chết của một phụ nữ Ấn Độ là nạn nhân của hành động hãm hiếp tập thể, bà Clinton nói thêm: “Ai biết được cô ấy sẽ đóng góp gì cho tương lai của Ấn Độ?”.
Bà Clinton là ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm, bà đã công du 1,7 triệu km và tới thăm tổng cộng 112 quốc gia trên khắp thế giới.