Vì an toàn tính mạng?
Theo Chính phủ Ecuador, họ cho phép ông Julian Assange tị nạn vì điều này làm giảm mối lo ngại bị khủng bố chính trị và những hậu quả có thể xảy đến khi dẫn độ ông Assange về Hoa Kỳ.
"Có những dấu hiệu cho thấy có thể có sự trả đũa từ các quốc gia mà ông Assange công bố tài liệu mật. Những hành động trả đũa có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn, tính mạng và ảnh hưởng cuộc sống của ông này", Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino cho biết.
"Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy nếu ông Assange bị dẫn độ về Hoa Kỳ, ông sẽ không được xét xử công bằng. Không có điều gì chắc chắn rằng ông này sẽ không bị đối xử tàn tệ, bị kết án tù chung thân hoặc thậm chí án tử hình".
Hầu hết những người ủng hộ nhà sáng lập Wikileaks đều có đồng quan điểm như vậy. Ông Assange biết trong số những người ủng hộ, ông có thể tin tưởng Tổng thống Ecuador Rafael Correa, ngay cả trước khi ông bước vào tòa đại sứ Ecuador tại London.
Người sáng lập WikiLeaks.
Cải thiện hình ảnh?
Theo Giáo sư Santiago Basabe từ nhóm Nghiên cứu Khoa học xã hội Mỹ Latinh, lý do đằng sau chuyện này còn sâu xa hơn những gì mà ông Correa tuyên bố.
"Điều quan trọng cần phải hiểu là sự kiện này là kết quả của một cuộc thương thảo lâu dài giữa ông Assange và chính phủ Ecuador", ông Basabe cho biết.
"Nhiều người coi ông Assange là một biểu tượng đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do phát biểu ý kiến, đó cũng là điều mà chính phủ Ecuador nhắm tới”.
"Giáo sư Basabe cho biết thêm: "Bằng việc cho ông Assange tị nạn, chính phủ này cố gắng chứng minh việc họ thực sự quan tâm đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, vào thời điểm mà Ecuador đang bị chỉ trích mạnh mẽ, cả trong và ngoài nước, vì các cách mà họ nhìn nhận chế độ dân chủ”.
Tuy nhiên, tại Ecuador, không phải tất cả mọi người đều tin rằng hình ảnh quốc gia sẽ cải thiện sau chuyện này.
Các phương tiện truyền thông tư nhân và đa số những người phản đối Tổng thống Correa cảnh báo rằng Ecuador có rất ít khả năng cải thiện được hình ảnh sau khi chấp thuận lời đề nghị của ông Assange.
Để duy trì quyền lực của Tổng thống?
Ecuador đã cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. Do đó, nhiều người lo ngại rằng việc đứng ở phe đối lập với Anh và Thụy Điển sẽ không có lợi. Vấn đề này thậm chí có thể được đưa ra để chống lại Tổng thống Correa khi ông này tái tranh cử vào tháng 2/2013.
Cựu Tổng thống Lucio Gutierrez thậm chí còn cho rằng ông Correa muốn sử dụng khả năng xâm nhập dữ liệu của ông Assange để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Theo ông Basabe, ông Correa không cần phải dùng tới quân bài này để duy trì quyền lực. "Khả năng Tổng thống Correa không tái đắc cử vào tháng 2 là rất thấp", ông Basabe nói.
Trước đó, Ecuador đã cáo buộc Anh đe dọa xông vào đại sứ quán ở London của nước này để bắt giữ ông Assange. Chính điều này lại làm gia tăng sự ủng hộ cho Tổng thống Ecuador. "Việc cho ông Assange tị nạn là quyết định của một nhà nước có chủ quyền, không cần đến sự cho phép của nước Anh", Rosana Alvarado - một đại biểu Quốc hội đảng Alianza Pais của Tổng thống Ecuador phát biểu.
"Tôi hy vọng người dân Ecuador vẫn đồng thuận một lòng, đồng thời phản kháng trước bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa thực dân", ông Paco Velasco thuộc đảng Alianza Pais nói thêm.
Song, xét về toàn thể, hậu quả của việc cho ông Assange tị nạn còn phụ thuộc vào phản ứng của chính phủ Anh, Thụy Điển và Hoa Kỳ.