Bà Park Geun-Hye nổi tiếng vì là người luôn bình tĩnh, kiên định trong mọi vấn đề, được người Hàn Quốc gọi là “nàng công chúa lạnh lùng”. Bà thề sẽ phá vỡ sự thống trị của nam giới trên nghị trường Hàn Quốc, được người dân xứ Hàn gọi là “bà đầm thép Thatcher của Hàn Quốc”.
Bà Park Geun-Hye là con gái của cựu tổng thống Hàn Quốc đã mất Park Chung-Hee, bị các đối thủ trên nghị trường gọi mỉa là “con gái của kẻ độc tài” và “người thừa kế di sản chính trị”. Cho đến nay, bà Park Geun-Hye vẫn chưa lập gia đình và chưa có con.
Làm bạn với chính trị, 61 tuổi chưa kết hôn!
"Tôi không có gia đình để có thể chăm sóc, không có con cái để có thể thừa kế tài sản. Tất cả dân chúng Hàn Quốc là người thân của tôi, để họ được sống hạnh phúc là lý do khiến tôi ở lại nghị trường", Bà Park Geun-Hye tâm sự.
Bà Park Geun-Hye sinh ngày 2-2-1952. Năm 9 tuổi, theo cha là cựu tổng thống Park Chung-Hee vào sống ở Nhà Xanh (nơi ở và làm việc của tổng thống Hàn Quốc). Năm 22 tuổi, mẹ của bà Park Geun-Hye qua đời, bà đã đảm nhận rất xuất sắc vai trò làm người phụ tá cho cha.
Năm 1979, tổng thống Park Chung-Hee qua đời vì bị ám sát, bà Park Geun-Hye buộc phải rời xa nghị trường.
Mãi tới cuối thập kỷ 1990, bà Park Geun-Hye trở lại nghị trường. Ngày 19-12-2012, bà Park Geun-Hye giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Theo hiến pháp Hàn Quốc, nhiệm kỳ của tổng thống kéo dài 5 năm và không tái bổ nhiệm.
Sự kiện Mun Segwang cướp đi sinh mạng của mẹ bà Park xảy ra vào ngày 15-8-1974. Hôm đó, tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee và phu nhân là bà Yuk Young-soo đang tham gia một lễ kỷ niệm tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc ở Seoul thì bị Mun Segwang – người gốc Triều Tiên sinh ở Hàn Quốc, đã di cư sang Nhật Bản - bắn chết.
Ông Park Chung- Hee may mắn thoát nạn. Mun Segwang đã khai rằng do y hành động theo sự chỉ đạo của phía Triều Tiên. Tháng 12-1974, Mun Segwang bị kết án tử hình.
Vụ ám sát tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee diễn ra vào ngày 26- 10- 1979 tại một tòa nhà bí mật ở Nhà Xanh có liên quan tới Cục tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) ở Gungjeong-dong, Jongno-gu, Seoul vào lúc 7:41 tối. Nó thường được biết đến với tên gọi sự kiện ngày 26-10 ở Hàn Quốc.
Giám đốc KCIA Kim Jae-Kyu mời ông Park Chung- Hee đến dự một bữa tiệc tại một tòa nhà của KCIA tại Nhà Xanh. Sau khi ông Park và các khách mời đã yên vị, Kim Jae-Kyu bỏ ra ngoài nhằm phát tín hiệu với các người đồng lõa.
Sau đó, Kim bước vào phòng, rút ra một khẩu súng lục và bắn chết viên vệ sĩ chỉ huy của Park Chung Hee là Cha Ji-cheol, rồi bắn nhiều phát vào ông Park Chung-Hee. Ngay khi nghe tiếng súng, 5 đặc vụ KCIA xông vào phòng kế bên để giết nốt 2 vệ sĩ khác và viên tài xế.
Thăng trầm quyền lực
Ngày 25-2, bà Park Geun-Hye chính thức nhận chức trở thành tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc. Dân chúng xứ Hàn đang chờ đợi: vị nữ thổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc sẽ quản lý quốc gia này thế nào, sẽ làm gì để đem lại sự ổn định, an ninh và phồn vinh cho dân chúng.
Cộng đồng quốc tế đang tập trung mọi chú ý để dõi theo: Với vai trò là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Bắc Á thời hiện đại, bà Park Geun-Hye sẽ làm gì để thể hiện tài năng chính trị trong cục diện ngoại giao ngày càng phức tạp ở Đông Bắc Á?
Nguyên nhân quan trọng khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến vị nữ tổng thống này là do gia thế đặc biệt và cuộc đời đầy thăng trầm của bà. Bà Park Geun-Hye là con gái của cựu tổng thống Park Chung-Hee.
Tháng 8-1974, khi Park Geun-Hye 22 tuổi, mẹ bà thiệt mạng vì bị Mun Segwang- người gốc Triều Tiên sinh tại Nhật Bản ám sát. 5 năm sau – năm 1979, người cha của bà lại bị ám sát; Thập kỷ 1990, sau khi trở lại nghị trường, bà Park Geun-Hye liên tục 5 lần liên tiếp trúng cử nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc, cho đến khi trở thành tổng thống nước này.
Sau khi trở thành chủ nhân của Nhà Xanh, bà Park Geun-Hye sẽ phải đối mặt với ba bài toán khó quan trọng: Xã hội Hàn Quốc đang bất ổn vì lòng dân chia rẽ, sự phát triển nền kinh tế Hàn Quốc đang có xu hướng ngày càng cùn đi, giải quyết mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên và quan hệ đối ngoại vốn đang rất phức tạp và chứa nhiều ẩn số.
Làm thế nào để đoàn kết người dân Hàn Quốc sẽ là một thách thức lớn cho bản lĩnh chính trị của bà Park Geun-Hye.
Đã từ lâu, nghị trường Hàn Quốc vẫn tồn tại hai thế lực lớn là “bảo thủ” và “tiến bộ”, lập trường chính trị của hai thế lực này hoàn toàn trái ngược nhau, những vấn đề chia rẽ đảng phái do lịch sử để lại đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và kinh tế của người dân Hàn Quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần này lại tăng thêm vết thương mới trên vết sẹo cũ của lịch sử, nếu bà Park Geun-Hye không hậu tạ những người ủng hộ mình, nền tảng quyền lực của bà sẽ không vững chắc. Nếu bà Park Geun-Hye đối xử lạnh nhạt với những người không bỏ phiếu cho bà, lực lượng đối đầu với bà sẽ nhanh chóng trỗi dậy.
Phát triển kinh tế để xây dựng đất nước Hàn Quốc giàu có và hạnh phúc là thách thức thứ hai mà bà Park Geun-Hye phải đối mặt. Mỹ và châu Âu liên tiếp xảy ra khủng hoảng nợ và khủng hoảng kinh tế, khiến một quốc gia vốn lệ thuộc sâu sắc vào thương mại đối ngoại bị ảnh hưởng nặng nề, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế dậm chân ở mức thấp.
Thu nhập của người dân giảm và nợ nần gia tăng, khiến nhu cầu trong nước và đầu tư suy yếu, cơ hội việc làm cũng giảm theo, hàng loạt thanh niên thất nghiệp và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. “Dân chủ hóa kinh tế” một thời trở thành khẩu hiệu rất thời thượng trong các cuộc tranh cử ở Hàn Quốc, tuy nhiên thực hiện lại không dễ dàng gì.
Ngoại giao cũng sẽ là một viên “đá thử vàng” khác. Cuối năm 2012, Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hàn Quốc đã công bố Báo cáo triển vọng cục diện quốc tế trong 5 năm tới và cho rằng, chính quyền tổng thống Park Geun-Hye “sẽ phải đối mặt với môi trường bên ngoài khó khăn nhất trong thế kỷ XXI”.
Thời kỳ tổng thống Lê Myung-Bak nắm quyền, quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên đặc biệt căng thẳng, sau khi phóng thành công vệ tinh, Triều Tiên lại cho nổ thử hạt nhân lần thứ ba, để cải thiện mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên, bà Park Geun-Hye sẽ phải thể hiện tài năng ngoại giao siêu phàm của mình.
Quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng là khâu quan trọng không thể thiếu. Mỹ đang thực thi “chiến lược tái cân bằng” ở châu Á, khiến Hàn Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi giải quyết quan hệ với các nước láng giềng.
Những tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về chủ quyền biển đảo và các vấn đề lịch sử đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, quan hệ giữa hai bên rất khó có thể xoa dịu.
Người mới đem lại sức sống mới. Dư luận đang chờ đợi, nữ tổng thống Park Geun-Hye sẽ đem lại luồn sinh khí dồi dào cho dân chúng Hàn Quốc, đem lại sự hòa bình, ổn định và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á, để lại tên tuổi một nữ chính gia kiệt xuất trong sử xanh.