Dám “chôm” súng của gia đình Hussein để bán ở Mỹ

Theo Thế giới & Hội nhập |

Công tố liên bang Mỹ ở bang New jersey vừa buộc tội một cựu luật sư cùng 3 người khác âm mưu nhập lậu những khẩu súng từng của gia đình cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein để bán lại.

Nhưng cáo trạng không cho biết kẻ nào đã trộm số súng này và tuồn khỏi Iraq. Trát bắt cũng không cho biết bằng cách nào luật sư bị sa thải David Ryan có được số súng này. Các quan chức ở Sứ quán Iraq tại Washington D.C đã xác nhận số súng bị trộm và đưa ra khỏi Iraq, và khẳng định đó là tài sản chính phủ: hai khẩu súng ngắn có báng dát vàng và khắc chữ “Q.S”, tức tên tắt của Qusay Saddam Hussein al-Tikriti, người con trai thứ và từng được chuẩn bị làm người kế nhiệm ông Hussein, theo Reuters.

Lô súng bị trộm còn có một khẩu súng ngắn do Trung Quốc sản xuất, có khắc cờ Yemen trên báng súng, hai khẩu súng ngắn kiểu Đức dát vàng và hai khẩu súng trường Cosmi 12.

Súng nạm vàng của gia đình Hussein

Tội mua đi bán lại vũ khí

Ryan nhập lậu 7 khẩu súng từ Iraq rồi tính bán chúng với sự giúp đỡ của 3 người kia, thông qua một cửa hàng bán dụng cụ thể thao ở New Jersey. Nhóm 4 người này bị bắt ngày 19.12.2012, bị buộc tội âm mưu vận chuyển vũ khí bị trộm và âm mưu bán tài sản bị trộm. Ryan còn bị buộc tội gửi lén vũ khí qua đường bưu điện.

Cáo trạng nêu David Ryan 48 tuổi từng là luật sư - chuyên về mảng bào chữa cho những người bị thương tích - suốt 13 năm, cho đến năm 2010 thì bị Tòa án tối cao bang Florida tước bằng hành nghề, do cơ quan thanh tra phát hiện tay thầy cãi này “sử dụng sai mục đích” số tiền ông ta giữ hộ các thân chủ. Năm 2010, Ryan cũng nộp đơn xin bảo vệ khỏi phá sản nhưng không được duyệt vì thiếu các hồ sơ bổ sung.

Ông ta được đóng số tiền bảo lãnh tại ngoại 250.000USD chờ ngày hầu tòa. Nếu bị tuyên có tội, mỗi người có thể bị tuyên mức án tối đa 5 năm tù và phải nộp phạt 250.000USD. Tội gửi lén vũ khí qua bưu kiện có thể khiến Ryan bị thêm 2 năm tù và nộp phạt 250.000USD.

Luật sư của Ryan nói ông ta tin rằng số súng này được nhập khẩu hợp pháp thì “mua đi bán lại” cũng hợp pháp. Ryan đã khoe số súng với một tay buôn bán súng được cấp giấy phép, và đã chuyển chúng đến bang New Jersey từ một người buôn bán súng có giấy phép khác. Luật sư khẳng định hai nhà buôn này không phải tội phạm hình sự.

Các nhà điều tra cùng Cục Quản lý rượu- thuốc lá- súng Mỹ (ATF) cho biết: ban đầu Ryan liên lạc Karlo Sauer 42 tuổi để định giá trị số súng đang được cất giấu ở đâu đó tại bang Florida. Ông ta gửi email ảnh chụp các khẩu súng cho Sauer. Tay này liên lạc với Howard Blumenthal 74 tuổi và Carlos Quirola 55 tuổi ở New Jersey để nhờ họ tìm người mua số súng hồi năm ngoái.

Tháng 4.2012, ATF biết có vụ này, nhờ “cộng tác viên” chìm lập cuộc thương lượng mua số súng với giá 160.000USD. Ryan bèn gửi 6 súng bằng bưu kiện đến một cửa hàng dụng cụ thể thao ở New Jersey, rồi ông ta bay đến New York ngày 17.7.2012 để hoàn tất vụ mua bán.

Sau này, Ryan nói với một trong những “cộng tác viên” của ATF: ông ta đoan chắc 100% số súng này từ Iraq, và nói chúng được định giá trị từ 1,1 - 1,3 triệu USD. Theo trát bắt, Blumenthal và Quirola đều thừa nhận với ATF, rằng họ biết số súng bị trộm và xuất lậu khỏi Iraq. Khi ATF gửi giấy mời thẩm vấn đến Ryan ngày 7.8.2012, ông ta nộp khẩu súng thứ bảy, sau khi đã thu hồi nó từ một tiệm bán súng.

Uday (trái) , TT Hussein và Qusay

Có thật người thế vai Uday?

Vụ trộm súng của Qusay Hussein - bị lính đặc nhiệm Mỹ bắn chết cùng với anh trai Uday nhân một cuộc truy quét ở Mosul (Iraq) hồi tháng 7.2003 - là các diễn tiến mới nhất liên quan hai người con trai của cố TT Hussein.

Năm 2011, phương Tây từng chiếu bộ phim Kẻ đóng thế quỷ dữ (Devil’s Double) kể về Latif Yahia, một người lính Iraq có khuôn mặt thật giống Uday, người con trưởng của Hussein.

Yahia thế vai ăn chơi của Uday (trong phim)

Đây là câu chuyện có thật, dựa theo cuốn tiểu thuyết-tự thuật The Devil's Double của Yahia vốn bán rất chạy, sau khi cuộc xâm lược Iraq của Mỹ kết thúc năm 2003 với việc bắt được TT Hussein (bị xử tử vào cuối năm ấy) và cái chết của anh em Uday-Qusay.

Phim do đạo diễn Lee Tamahori (từng làm phim điệp viên 007 Die Another Day) thực hiện, với nam tài tử Dominic Cooper người Anh đóng đúp vai Uday và Yahia:

Yahia được gọi từ chiến trường năm 1987 (khi Iraq đang có chiến tranh) để về Baghdad gặp người bạn thời thơ ấu Uday. Ở đó, anh bị ép phải đóng thế Uday. Ban đầu, Yahia từ chối nên bị tra tấn và bỏ tù một tuần. Khi được thả, Yahia bị ép nếu không chấp nhận thì gia đình sẽ bị giết, các em gái sẽ bị hiếp dâm. Uday nổi tiếng nóng nảy, tính khí thất thường, thích gái trẻ và cũng mê súng như em trai Qusay, làm người dân Iraq khiếp sợ nên gọi là “Ông hoàng đen”.

Nhưng Uday rất sợ xuất hiện trước công chúng quá nhiều vì đã thoát 12 cuộc ám sát, nên buộc người bạn cũ Yahia thế vai. Sau vài cuộc giải phẩu thẩm mỹ, Yahia từ đó bị kéo vào những hành động quá quắt của Uday (đêm đêm rảo khắp Baghdad tìm gái để cưỡng hiếp, lạm dụng ma túy, thích tra tấn), và yêu cả người tình Sarrab của “sếp” Uday, người thường gọi Yahia là “bù nhìn”.

Khi phát hiện Sarrab liếc mắt đưa tình với Yahia, Uday tìm cách giết Yahia để trả thù, nên Yahia phải bỏ trốn qua phe ly khai Kurd ở bắc Iraq, sau đó qua Áo vào những năm 1990 với sự hỗ trợ của CIA.

Dù vậy, vài người từng lọt vào hàng ngũ thân cận của Uday phủ nhận thông tin của Yahia: Haytham Ajmaya trốn khỏi Iraq năm 1978 và khai hết về nội bộ Uday với chính phủ Anh, rằng Yahia giống Uday nhưng chưa bao giờ là kẻ thế vai, và Yahia lợi dụng vẻ ngoài giống Uday để tống tiền và “săn gái” ở Iraq, điều khiến ông ta bị cảnh sát Iraq bắt.

Một cây bút của báo Sunday Times hồi năm 2011 cũng nêu đã tìm được 3 người trong nội bộ Uday và bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ của Hussein, họ đều nói chẳng có vụ giải phẫu thẩm mỹ nào đối với một người thế vai Uday. Nhà sử học Toby Dodge ở Đại học London - chuyên nghiên cứu về Iraq hiện đại - nói tách bạch giữa sự thật và hư cấu ở Iraq là điều hoàn toàn không thể làm: “Chế độ Hussein luôn tạo nên một tấm màn bí ẩn”.

Theo Thế giới & Hội nhập

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại