Đêm 16/8, một nhóm nhà hoạt động đã tấn công Đại sứ quán Nga ở London để phản đối sự ủng hộ của Mátxcơva đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga đã cho triệu Đại sứ Anh tại Mátxcơva để phản đối về vụ việc.
Nhiều cửa sổ của Đại sứ quán Nga tại London đã bị người biểu tình ném vỡ.
Hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Nga tại Anh cho biết những kẻ phá hoại mang theo băng rôn chống chính phủ Syria đến trước cửa Văn phòng lãnh sự của Đại sứ quán Nga ở London đêm 16/8 và ném đá khiến tòa nhà này bị hư hại nghiêm trọng.
Đại sứ quán Nga đã cáo buộc cảnh sát Anh không hành động để ngăn chặn cuộc tấn công trên.
“Lực lượng cảnh sát Anh đã đến hiện trường, song đáng tiếc là họ không có bất cứ biện pháp nào nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình trái phép, hay bắt giữ những kẻ tấn công”, người phát ngôn Văn phòng lãnh sự Nga cho biết.
Hiện chưa có thông tin thiệt hại về người trong vụ tấn công.
Trong phản ứng ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã triệu Đại sứ Anh tại Mátxcơva Tim Barrow đến để phản đối về việc cảnh sát Anh không đảm bảo an toàn cho Đại sứ quán Nga ở London.
“Ngày 17/8, Đại sứ Anh và Bắc Ailen tại Mátxcơva đã được Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov triệu đến Bộ Ngoại giao để nghe phản đối về việc Anh không đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Nga tại London đêm 16/8”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Anh bị tấn công trong năm nay.
"Chúng tôi coi vụ tấn công này là hành động tiếp theo trong loạt vụ vi phạm nguyên tắc bất khả xâm phạm đối với các phái đoàn ngoại giao", tuyên bốnhấn mạnh.
Cũng trong buổi trao đổi giữa Đại sứ Tim Barrow và Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov, phía Nga đã yêu cầu “lực lượng an ninh Anh không để lặp lại các cuộc tấn công nguy hiểm và bạo lực như vậy trong tương lai”.
Cả chính phủ và cảnh sát Anh chưa đưa ra bình luận về vụ tấn công mới xảy ra.
Trước nay, Nga nhiều lần khẳng định không làm chỗ dựa cho ông Assad và có thể để ông ra đi theo tiến trình chuyển giao chính trị do người dân Syria định đoạt. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận việc coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột, càng không đồng ý để ông bị truất quyền vì sức ép từ bên ngoài, kể cả từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.