Tuần báo đã trích dẫn ví dụ từ hai ngôi làng nằm gần các khu công nghiệp tại tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Ngôi làng Wuli tại Xiaoshan và Sanjiang tại Thiệu Hưng.
Làng Wuli nằm gần Khu Phát triển Công nghệ-Kinh tế Nanyang, nơi tập trung nhiều xưởng in và nhuộm cũng như các nhà máy dược. Những nhà máy này đã thải ra một lượng lớn chất thải công nghiệp xuống sông Qiantang, một tuyến đường thương mại chính trong khu vực.
Căn bệnh ung thư bắt đầu phổ biến sau khi khu công nghiệp đi vào hoạt động. Từ năm 1992 tới năm 2005, căn bệnh này đã cướp sinh mạng của gần 60 dân làng nhưng con số này vẫn tiếp tục tăng với trung bình 7-8 ca tử vong một năm.
Nguồn nước tới từ các giếng khơi trong khu vực đã bị nhiễm bẩn và không khí có mùi khó chịu tới nỗi các cư dân không thể mở cửa sổ sau 9 giờ tối, Xinmin cho biết.
Làng Sangjiang đã trở thành một ví dụ điển hình về tác dụng phụ của việc sống trong khu vực có hơn 9.000 nhà máy dệt. Khoảng 5.000 người đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư sau khi Khu Công nghiệp Binhai, Thiệu Hưng gần đó mở cửa.
Khu công nghiệp này được coi là lớn nhất trong tỉnh và đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương , nhưng ngôi làng Sanjiang đã phải trả một cái giá quá đắt, Xinmin cho hay.
Tỉnh Hồ Nam tại miền trung Trung Quốc được biết tới với nhiều "ngôi làng ung thư" như vậy, đặc biệt là dọc theo sông Hong.
Khoảng 80% nước ngầm tại các thành phố ở Trung Quốc bị nhiễm độc nghiêm trọng.