Chuyên gia Trung Quốc nghĩ gì về quan hệ với Myanmar?

Theo Kiến Thức |

Nhà nghiên cứu ngoại giao Liễu Phàm cho rằng quan hệ Trung Quốc-Myanmar tuy có phức tạp nhưng chưa thể đảo ngược.

Thứ nhất, quan hệ Trung Quốc-Myanmar có cơ sở lâu bền. Làng bản hai nước Trung Quốc và Myanmar nhìn sang nhau, có chung cội nguồn dân tộc, cư dân hai nước sang sinh sống ở bên kia biên giới, văn hóa tương đồng, tập tục gần gũi, nhân dân hai nước từ lâu đã chung sống hòa thuận.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) gặp thủ lĩnh phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi.

Myanmar là nước đầu tiên ngoài các nước XHCN công nhận nước CHND Trung Hoa. Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc kiên trì… ủng hộ Myanmar thúc đẩy dân chủ pháp trị, phát triển kinh tế quốc dân, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ thống nhất đất nước. Lãnh đạo cấp cao của hai nước luôn duy trì các chuyến viếng thăm lẫn nhau, cùng nhất trí làm sâu sắc hơn tình hữu hảo song phương, quyết tâm xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Đồng thời, hợp tác kinh tế thương mại song phương cũng không ngừng phát triển. Trong 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương vượt mức 6,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thống Thein Sein mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc duy trì trao đổi giao lưu cấp cao, tăng cường hợp tác.

Thứ hai, chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc sẽ không có sự thay đổi mang tính căn bản. Myanmar nhận thức được rằng việc củng cố và phát triển quan hệ với Trung Quốc chính là duy trì độc lập dân tộc của Myanmar, thực hiện hòa giải dân tộc, thúc đẩy nhu cầu phát triển toàn diện, phù hợp với lợi ích căn bản của Myanmar.

Gần nửa thế kỷ qua, sự viện trợ và ủng hộ của Trung Quốc luôn có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với việc duy trì ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia và giải quyết khó khăn kinh tế của Myanmar. Từ lâu, chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Myanmar sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về kinh tế.

Trong chuyến thăm Myanmar hồi năm ngoái của Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Tổng thống Thein Sein đã bày tỏ phía Myanmar mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc phối hợp chặt chẽ, duy trì trao đổi giao lưu cấp cao, tăng cường hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng…, thúc đẩy hợp tác đầu tư và mậu dịch biên giới, nâng cao lòng tin hợp tác của doanh nghiệp.

Phía Myanmar hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đến Myanmar đầu tư, phát triển ngành nghề tập trung nhiều lao động và ngành gia công mặt hàng nông sản, và sẽ tạo thuận lợi cho sự đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tổng thống Myanmar nhắc lại rằng Myanmar sẽ tiếp tục kiên định chính sách “một Trung Quốc”, kiên định ủng hộ lập trường và chủ trương của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi.

Chính phủ mới của Myanmar đột nhiên tuyên bố ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone, một công trình hợp tác giữa hai nước.

Điều không thể phủ nhận là trong mấy năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Myanmar có một số tiếng nói không hòa giải, đặc biệt là chính phủ mới của Myanmar đột nhiên tuyên bố ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone, một công trình hợp tác giữa hai nước; mỏ khai thác đồng với tổng vốn đầu tư một tỷ USD cũng bị đình chỉ do phản đối của dân địa phương…

Những sự kiện này rõ ràng đã ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Trung Quốc - Myanmar. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng cho dù chính quyền Myanmar sau này có biến động, cho dù các thế lực trong nước Myanmar đối lập như thế nào, phe phái nào lên nắm quyền cũng khó có thể thay đổi quan hệ với Trung Quốc.

Bà Aung San Suu Kyi từng nhiều lần nhấn mạnh “một Myanmar dân chủ không nhằm vào Trung Quốc” và hy vọng Myanmar có thể tìm kiếm sự hợp tác mật thiết hơn với Mỹ song vẫn duy trì được “quan hệ hữu hảo” với Trung Quốc.

Bà Aung San Suu Kyi hy vọng Myanmar có thể hợp tác mật thiết hơn với Mỹ song vẫn duy trì được “quan hệ hữu hảo” với Trung Quốc.

Thứ ba, sự cải thiện quan hệ Mỹ-Myanmar khó có thể triệt tiêu sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Những năm gần đây, Mỹ tập trung điều chỉnh chính sách đối với Myanmar với ba mục tiêu. Một là, Obama viết thêm một thành tích ngoại giao trong việc mở rộng dân chủ kiểu Mỹ trên thế giới.

Hai là, mượn việc cải thiện quan hệ với Myanmar để phối phợp với mục tiêu chính sách “trở lại” Đông Nam Á của Mỹ. Myanmar có tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Lấy việc Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á làm tiêu chí, có thể thấy chiến lược “trở lại” Đông Nam Á của Mỹ rõ ràng đang được thực thi.

Ba là, nâng cao quan hệ Mỹ - ASEAN, tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ đối với ASEAN, cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tại khu vực này, để cho Mỹ có được quyền chủ động nhiều hơn trong bố cục lực lượng tại Đông Á.

Trong chuyến thăm Myanmar hồi cuối năm ngoái, Obama đã hứa sẽ cung cấp viện trợ trị giá 170 triệu USD cho Myanmar trong vòng hai năm, song con số này không thể so sánh nổi với những lợi ích kinh tế to lớn mà Trung Quốc mang lại cho Myanmar trong nhiều năm qua.

Trung Quốc là nguồn vốn nước ngoài chủ yếu của Myanmar, đồng thời cũng có ưu thế địa lý khi là nước làng giềng có đường biên giới chung dài với Myanmar. Quan chức Mỹ từng thừa nhận rằng Bắc Kinh đầu tư vào Myanmar hàng tỷ USD, phía Mỹ không thể sánh được với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Do đó, các quan chức Myanmar chỉ hy vọng duy trì được sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ không mạo hiểm trở thành công cụ của phương Tây mà mất đi lợi ích kinh tế to lớn từ Trung Quốc. Một cựu quan chức cấp cao Mỹ nói rằng Myanmar biết rằng “cần phải tốt với cả Mỹ lẫn Trung Quốc”.

Nói tóm lại, diễn biến tình hình chính trị, kinh tế và ngoại giao của Myanmar đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc đối với chính phủ và nhân dân Myanmar, đối với Đông Nam Á và cả Trung Quốc.

Về quan hệ Trung Quốc-Myanmar, mặc dù hai bên có điểm chung về lợi ích chiến lược, song cũng cần tỉnh táo nhận thức rằng Myanmar ngày nay đã trở thành một trong những chiến trường chính đọ sức giữa các nước lớn.

Sự thay đổi tình hình chính trị Myanmar, sự leo thang xung đột sắc tộc, các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar liên tục bị tấn công, nhất là việc Mỹ điều chỉnh quan hệ với Myanmar, chắc chắn sẽ làm gia tăng tính phức tạp và tính không xác định của Myanmar, những điều này tạo ra thách thức đối với quan hệ Trung Quốc - Myanmar.

Cùng với sự trở lại của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, ưu thế truyền thống của Trung Quốc tại Myanmar đang ngày càng giảm bớt, nếu không tích cực hành động, Trung Quốc có thể bị đẩy ra rìa. Chỉ có làm tốt chuẩn bị, có phương án dự phòng với các tình huống phức tạp mới có thể ngăn ngừa hữu hiệu rủi ro và tổn thất có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại