Theo cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kalha hôm 30/7, chưa muộn để Trung Quốc rút khỏi các đảo không có cư dân sinh sống đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển Đông còn cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans khẳng định Bắc Kinh cần tôn trọng quy tắc chung.
Báo Straitstimes hôm 30/7 dẫn lời cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans cho rằng, biển Đông, eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên là một trong 3 điểm âm ỉ nóng tại Đông Á. Và giờ biển Đông bắt đầu dậy sóng.
Lợi ích thể hiện bằng đường lưỡi bò vô căn cứ
Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề xoay quanh lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cái lợi ích được thể hiện bằng đường lưỡi bò vô căn cứ. Với đường lưỡi bò, Trung Quốc đã độc chiếm luôn cả quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền, dải Macclesfield và bãi đá Scarborough ở phía bắc mà Philippines tuyên bố chủ quyền và cả quần đảo Trường Sa ở phía nam, khu vực được rất một số nước ĐNA cùng tuyên bố chủ quyền.
Liên quan tới việc đưa quân đội tới đồn trú ở cái gọi là thành phố Tam Sa, Viện phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) dẫn bài viết của cựu Ngoại trưởngR. S. Kalhacho rằng, Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới tất cả các nước liên quan tới tranh chấp biển Đông rằng nước này muốn một giải pháp ngoại giao những cũng có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ quan điểm của mình trên biển Đông. Trung Quốc cũng muốn chứng minh rằng Mỹ không cần thiết phải can dự quân sự vào mỗi và tất cả các sự vụ và hàm chứa đe dọa rằng các nước ĐNA nên đánh giá lại cũng như ghi nhớ điều này.
Trung Quốc ám chí có thể dùng vũ lực giải quyết tranh chấp. (THX)
Theo ông Gareth Evans, điều làm ASEAN phải lo lắng trước ý định của Bắc Kinh chính là một khi Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền được trên hầu hết các đảo ở khu vực biển Đông, và một khi tất cả các đảo đó đều có dân cư trú thì khu vực Đặc quyền kinh tế thuộc các đảo này sẽ không chỉ nằm trong khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra năm 2009. Không phải là vô lý khi những nước này lo sợ rằng Trung Quốc sẽ không tuân theo Công ước về Luật biển năm 1982 và có ý định tuyên bố chủ quyền trên những vùng rộng lớn hơn.
Cần tôn trọng quy tắc chung
Trung Quốc có thể và nên hạ nhiệt bằng việc áp dụng những biện pháp ít mạo hiểm hơn, đồng thời gây dựng được lòng tin của các đối tác ASEAN như họ đã cam kết năm 2002, cùng các nước này xây dựng một bản Quy tắc ứng xử đa phương. Ông Evans cho rằng, sớm hay muộn, họ cần phải hiểu một cách rõ ràng bản chất những yêu sách của mình, trong khi phải hiểu thấu đáo và tuân thủ các quy tắc chung. Chỉ khi đó họ, một nước không cần biết đến quy tắc, chỉ quan tâm đến việc chia chác tài nguyên thông qua cuộc tranh chấp lãnh thổ chưa có hồi kết, mới có được lòng tôn trọng của các nước khác.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kalhacho rằng, chính sách tự phụ của Trung Quốc chứa đựng nhiều nguy hiểm mà chính Ấn Độ đã trải qua khi nỗ lực thực hiện điều tương tự ở khu vực Ladakh nhiều thập kỷ trước đây. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ cực kỳ khó khăn để duy trì an ninh tại cơ quan quân sự của mình. Trung Quốc sẽ phải triển khai một số lượng lớn sức mạnh hải quân và không quân để đảm bảo an ninh, chưa tính đến công tác hậu cần khó khăn. Để làm hài lòng tâm lý dân tộc trong nước dựa trên chiến lược quân sự đơn giản chỉ mang lại khó khăn. Thứ hai, các nước liên quan sẽ cảm thấy cần phải đoàn kết lại để phải đối các tuyên bố của Trung Quốc, và trong chừng mực nào đó sẽ hoan nghênh sự hiện diện và hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Theo đó, bây giờ vẫn là chưa muộn để Bắc Kinh nhận ra sự dại dột của họ và rút khỏi các đảo không có cư dân sinh sống đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình trong khuôn khổ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS 1982). Hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế có sức nặng hơn nhiều so với bất cứ lợi ích nào mà Trung Quốc có thể có được khi đơn phương đi chiếm giữ các đảo này.
Theo People Daily (Trung Quốc) hôm 30/7, chính quyền cái gọi là "thành phố Tam Sa" vừa thành lập trái phép trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng 83 căn phòng trọ giá rẻ trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Tờ báo mô tả hòn đảo hiện tại có 159 dân ở trong những căn nhà gỗ không bền vững, ngoài dự án xây nhà mới có thể hoàn tất trong hai năm tới, một bệnh viện mới cũng đang được xây dựng tại đây. Trong một diễn biến khác, báo Inquirer(Philippines) cho biết, 12 tàu tuần tra mà Philippines đặt mua của Nhật Bản đều mới hoàn toàn chứ không như những tàu cũ của Mỹ. Những tàu này sẽ được bổ sung trang thiết bị hiện đại trước khi chuyển cho Philippines, dự kiến trong năm 2014.
Philippines sẽ nhận tàu tuần tra mới từ Nhật Bản. (AP)
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết.: "tuân thủ theo tôn chỉ thúc đẩy hợp tác, Bắc Kinh và Moskva đã đạt được thỏa thuận chung hai điểm về vấn đề đánh bắt cá". Điểm đầu tiên trong bản thỏa thuận chung là hai bên sẽ cùng tổ chức các cuộc tham vấn, tiến hành thương lượng về triển khai hợp tác đánh bắt cá, Nga sẽ dành cho Trung Quốc hạn ngạch đánh bắt cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Nga, và Trung Quốc sẽ đền bù tương ứng. Điểm thứ hai là hai bên sẽ sớm xây dựng cơ chế hợp tác an ninh thực thi luật hàng hải nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép tái diễn. Bên cạnh đó, "trên tinh thần tham vấn hữu nghị, các cơ quan ngoại giao của hai nước đã phối hợp chặt chẽ để hoàn tất các thủ tục cần thiết để các ngư dân Trung Quốc bị phía Nga bắt giữ trở về nước trong những ngày gần đây", ông Hồng Lỗi nói. Trước đó, ngày 26.7, Trung Quốc thừa nhận vụ hai tàu đánh cá nước này đã bị Nga bắt giữ.