Cách mạng dang dở tại Libya

lananh |

Một năm đã trôi qua kể từ khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị bắn chết, song giao tranh vẫn tiếp tục xảy ra.

cach-mang-dang-do-tai-libya

Giao tranh giữa các nhóm vũ trang địa phương vẫn tiếp tục nổ ra tại Libya sau khi Gadhafi chết do khoảng trống quyền lực mà chính phủ tạo ra. Ảnh: AP.

Chốt kiểm soát án ngữ đường tới thủ đô Tripoli bên ngoài thành phố Misrata giống một trạm gác biên giới giữa hai quốc gia hơn là chốt an ninh giữa hai thành phố trong một nước. Những người đàn ông với bộ râu quai nón và súng lục soát tất cả những người ra và vào thành phố,BBCcho biết.

Người dân tại thành phố Misrata cho rằng trạm kiểm soát là thứ cần thiết tại một đất nước mà mọi việc đều có thể xảy ra như Libya. Nhưng họ cũng lo ngại về tương lai của đất nước, bởi một số thành phố từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lật đổ Moammar Gadhafi, như Misrata, đang trở thành những thực thể giống như nhà nước.

Đất nước Libya chưa có một chính phủ có quyền lực đủ mạnh và tập trung để điều hành xã hội. Thậm chí giới quan sát còn cho rằng chính phủ Libya ngày càng bất lực trước sức mạnh các thế lực địa phương.

Trong suốt 42 năm điều hành đất nước, đại tá Gadhafi không chỉ củng cố quyền lực của chính phủ trung ương, mà còn biến bản thân ông thành biểu tượng của nhà nước. Các lực lượng an ninh của chế độ cũ sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp để vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các thế lực chống đối, bất kể họ tồn tại thực sự ngoài xã hội hay trong trí tưởng tượng của Gadhafi.

Khi Gadhafi mất quyền lực, chế độ mà phương Tây mô tả là “viển vông và kỳ lạ” cũng sụp đổ. Ngày nay những người vô gia cư sống trong dinh tổng thống của ông ở thủ đô Tripoli và người ta thấy những đống rác to tướng trên các bãi cỏ trong dinh.

Cái chết của Gadhafi vào ngày 20/10/2011 và sự sụp đổ của gia đình ông đồng nghĩa với việc Libya đã trải qua cuộc cách mạng triệt để nhất trong Mùa xuân Arab. Khác với người dân ở Tunisia và Ai Cập, người Libya không thừa hưởng nhiều di sản từ chế độ cũ trong quá trình xây dựng lại đất nước. Họ phải bắt đầu từ con số không nên đối mặt với vô vàn thử thách. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong mùa hè vừa qua diễn ra êm thấm và hòa bình hơn nhiều so với dự đoán của dư luận.

Nhưng sau đó, các chính trị gia thuộc mọi phe phái của Libya luôn phải vật lộn để duy trì thỏa thuận chia sẻ quyền lực – công cụ giúp họ thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Đây là hiện tượng bình thường, bởi khi Gadhafi còn nắm quyền, ông không cho phép xã hội dân sự vận hành theo đúng bản chất của nó. Vì thế các chính trị gia hiện nay của Libya phải vừa điều hành vừa rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo.

Trong lúc các chính trị gia tranh cãi, người dân Libya vẫn phải giải quyết di sản của Gadhafi. Một người đàn ông ở thành phố Misrata nói rằng Libya giống như một chai Coca Cola đã bị Gadhafi lắc trong suốt 42 năm. Ngay sau khi nút chai văng ra, vô số bọt - tượng trưng cho sự bất bình của người dân - trào ra khỏi miệng chai. Một bộ phận dân chúng cảm thấy bất mãn từ khi Gadhafi còn sống, song một bộ phận lại cảm thấy tức giận sau khi ông chết.

Gia tộc Gadhafi áp dụng chính sách “chia để trị” để các các thành phố, vùng và bộ tộc chống lại nhau. Cái chết của ông không đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ thù địch chồng chéo giữa các bộ tộc và địa phương. Thậm chí tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Những cuộc đụng độ vũ trang vẫn xảy ra và máu của người dân vẫn đổ.

Hoạt động không hiệu quả của chính quyền trung ương đã tạo ra khoảng trống quyền lực ở Libya. Các nhóm vũ trang địa phương đang tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy. Một số nhóm vũ trang hoạt động độc lập, một số được kiểm soát bởi các thành phố như Misrata và các thủ lĩnh bộ tộc. Vì thế mà nhiều chính trị gia thừa nhận Libya vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn bởi cách mạng.

Một báo cáo của Tổ chức International Crisis cho thấy các lực lượng chính trị và vũ trang cố gắng tạo ra những thỏa thuận ở cấp độ địa phương để giảm mâu thuẫn. Nhưng các thỏa thuận đó không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của Libya.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là an ninh. Chỉ mới vài ngày trước, một nhóm chiến binh từ thành phố Misrata đã nhân danh chính phủ để tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Bani Walid.

Bani Walid, nằm gần thành phố Misrata, từng ủng hộ đại tá Gadhafi trong cuộc nội chiến. Một số chiến binh của Bani Walid từng bắt và tra tấn người Misrata. Một trong số những người mà họ bắt là Omran Shabaan, người đã chết vì những vết thương. Shabaan là chiến binh từng phát hiện Gadhafi trong một cống cạn ở thành phố Sirte vào năm ngoái.

Các kho vũ khí của Gadhafi bị phân tán trong quá trình nội chiến. Người ta ước tính số lượng súng trôi nổi tại Libya lớn hơn cả dân số nước này. Súng tiểu liên Kalashnikov AK-47 và súng phóng tên lửa vác vai RPG dường như đã biến mất trên các đường phố, song thực tế không phải vậy.

“Mọi người đều cất một khẩu AK hay RPG trong cốp xe. Hiện nay vác súng một cách lộ liễu không còn là một hành động hợp lý nữa. Nhưng mọi người đều biết vũ khí luôn hiện diện trên đường phố. Chúng giúp chúng tôi duy trì hòa bình”, một người đàn ông tại Misrata nói.

Nhưng trang bị vũ khí cho người dân để họ tự bảo vệ bản thân không phải là một giải pháp lâu dài. Thậm chí chủ trương đó còn tạo ra quá nhiều nguy cơ xung đột.

Nhiều người dân vẫn chưa trải nghiệm cuộc sống tự do sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ. Nhưng nếu các chính trị gia tại Libya chưa thể tạo ra một chính phủ thực sự hiệu quả, tình trạng chia rẽ trong quốc gia châu Phi này sẽ lan rộng và nhiều xung đột vũ trang sẽ tiếp tục xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại