Thất bại trong việc cùng đưa ra một thông cáo chung là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các cuộc họp cấp bộ trưởng của ASEAN, ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về các vấn đề ASEAN tại đại học New South Wales (Australia), nói.
"ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò là tấm lá chắn cho sự
tự chủ khu vực của Đông Nam Á, cố gắng đóng vai trò lớp bảo vệ để chống
lại sự thâm nhập của những đại cường", Thayer nói.
"Việc ASEAN không thông qua được thông cáo chung chỉ ra rằng Trung Quốc đã tìm được cách phá vỡ tính bền chặt và gây ảnh hưởng với một quốc gia cụ thể".
Ngay sau khi ASEAN không thể thông qua thông cáo chung tại Campuchia, Biển Đông lại có những diễn biến phức tạp mới. Trong ảnh là tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc đang hỗ trợ 30 tàu cá nước này xâm phạm vùng biển ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh:Xinhua
"Việc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông - COC) hoàn chỉnh với Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Tôi thấy thật đáng kinh ngạc là các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã không thể đạt được một vài công thức có thể làm hài lòng tất cả các bên", Thayer nói.
Nhiều học giả khác cũng chia sẻ quan điểm với ông Thayer về sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử các hội nghị ASEAN.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không nhìn nhận việc ASEAN không đưa ra được thông cáo chung là điều thất bại hoàn toàn.
"Đó là một tín hiệu cho thấy sự phát triển của ASEAN, khi khối này đang đương đầu với những vấn đề rất hóc búa ở khu vực", bà Clinton nói. "Họ (các nước ASEAN) không còn lảng tránh nữa, họ đang đi thẳng vào các vấn đề khó khăn".
Theo VnExpress