Băng tan ở Bắc cực sẽ khiến khả năng hình thành con đường hàng hải ngắn nhất nối châu Âu và châu Á, cùng với việc khai thác các tài nguyên quý giá, dồi dào nơi đây dần trở thành hiện thực. Hơn nữa, các khu vực tranh chấp ở Bắc Cực cũng không cấm các biện pháp quân sự như ở Nam Cực. Do đó, các vấn đề về lợi ích kinh tế, các giá trị khai thác, vai trò của quân sự ngày càng trở nên “nóng” ở vùng lạnh giá này.
Tuy Trung và Nhật đều không phải là các quốc gia giáp ranh Bắc Cực nhưng cả hai đều đã đưa việc khai thác, sử dụng Bắc Cực vào “quyền lợi trên biển” và nâng nó lên tầm cao trong chiến lược phát triển quốc gia.
Điều khiến Nhật Bản cảm thấy không thoải mái ở đây là Trung Quốc đã “thò tay” đến Bắc Cực.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành đưa tàu khảo sát khoa học quy mô lớn Tuyết Long vượt hải trình cực Bắc đến thẳng xứ sở băng tuyết.
Tháng 4/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến thăm hai quốc gia Hội đồng Bắc Cực là Thụy Điển, Iceland. Tháng 6 năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Đan Mạch.
Một binh sĩ đứng gác chiếc tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut, khi tàu này cập bến Yokosuka, Nhật, trên đường đi tập trận ở Bắc Cực năm 2011.
Có thể nói, ở Bắc Cực người Nhật đã chậm chân. Khi Nhật bắt đầu đệ đơn xin làm quan sát viên của Hội đồng Bắc cực thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoàn tất mọi thủ tục. Khi Nhật muốn triển khai các hoạt động ngoại giao cấp cao tại khu vực này thì Trung Quốc đã đi trước một bước.
Phía Trung Quốc cho rằng người Nhật một mặt duy trì các thủ đoạn cũ, kích động mọi hoạt động khiêu khích, gây chia rẽ, kêu gọi các quốc gia khác cảnh giác và ngang nhiên đòi hỏi, tranh giành quyền lợi với Trung Quốc. Mặt khác Nhật hi vọng có thể đặt chân vào khu vực Bắc cực nhanh hơn để giữ vững tiếng nói. Nhật cũng lo ngại trước khả năng các hoạt động của Nga và Trung sẽ trực tiếp đe dọa đến phía bắc của mình nên đã cùng với Mỹ điều chỉnh cục diện quân sự, xây dựng thế trận phòng thủ mới.
Báo chí Trung Quốc cảnh báo chính phủ Nhật vẫn giữ nguyên tư tưởng chiến tranh lạnh, theo đuổi việc mô phỏng thế trận đối đầu giữa hai thế lực, kiềm chế Trung Quốc, thêm vào đó là thực lực kinh tế của Nhật và ảnh hưởng của Nhật đến cộng đồng quốc tế đều đang suy giảm nên mộng tham gia làm quan sát viên của Nhật cũng khó thành.
Cuối cùng, Trung Quốc vẫn cho rằng Nhật có thể điều chỉnh chiến lược bất cứ lúc nào để trở thành hàng xóm tốt, đối tác hợp tác của Trung Quốc và hình thành liên kết giữa hai quốc gia lớn khu vực châu Á.