Ấn Độ: Chuyện những người bán hàng rong muốn sống chết với nghề

My Lan |

(Soha.vn) - “Bố cháu thích công việc này và thường nói rằng “Đó là cuộc sống của bố, cả đời bố sẽ bán hàng rong”, cậu bé Ram Jaiswal chia sẻ.

Sinh nghề tử nghiệp

Ram Jaiswal ngồi trầm tư bên cạnh mẹ trong căn nhà hai phòng ở khu ổ chuột tại Mumbai (Ấn Độ), ngậm ngùi kể về bố:  "Không có ông ấy, chúng cháu khó có thể sống tiếp được, ông ấy từng là người duy nhất kiếm ra tiền trong nhà".

Ở tuổi 16, Ram bất đắc dĩ trở thành trụ cột chính trong gia đình, chu cấp cho mẹ và cậu em trai, sau khi bố qua đời hồi tháng 1 năm ngoái.

Ông Madam Jaiswal, bố của Ram, đã bán hoa quả rong dọc vỉa hè ở Mumbai suốt 20 năm, kiếm được chưa tới 50 USD/tuần.

Ram kể rằng vào ngày định mệnh đó, cảnh sát đã tới dẹp đường, đuổi những người bán hàng đi khỏi đó:  "Tất cả mọi người đều chạy, nhưng bố cháu không nhìn thấy xe cảnh sát tới. Ông ấy đã bảo vệ quầy hàng khi bị cảnh sát đánh. Ông ấy ngã xuống đất".

Ông Jaiswal tử vong sau đó. Gia đình ông nói rằng trước đây, ông không có vấn đề gì về sức khỏe và rằng ông chết vì bị sốc do cú đánh này.

Không có bất cứ bằng chứng nào về sự liên quan trực tiếp giữa cái chết của ông và cuộc dẹp đường ngày hôm đó của cảnh sát. Phó Ủy viên Cảnh sát Mumbai Ambadas Pote nói rằng ông không tin cáo buộc trên là đúng, song cũng không thể đưa ra bất cứ bình luận nào trực tiếp về vụ việc.

Vụ việc vẫn đang được tiến hành điều tra, song cái chết của ông Jaiswal đã trở thành biểu tượng cho một vấn đề lớn đối với những người bán hàng rong ở Ấn Độ.

Những người bán hảng rong luôn phải chuẩn bị tinh thần để "chạy" cảnh sát.

Việc buôn bán ở vỉa hè mà không có giấy phép được cho là bất hợp pháp, theo luật Ấn Độ. "Có quá nhiều người bán hàng rong ở Mumbai, không còn đủ chỗ nữa. Đường phố và vỉa hè là để cho người dân sử dụng, đó là lí do vì sao cảnh sát phải hành động, ngăn chặn tai nạn xảy ra", Phó ủy viên Pote cho rằng cần phải có một khu vực dành riêng cho những người này.

Tuy vậy, cũng có những người được cấp giấy phép. Chỉ tính riêng ở Mumbai, có khoảng 250.000 người bán hàng rong, trong đó mới chỉ có khoảng 17.000 người có giấy phép. Trên thực tế, theo Giáo sư Sharit Bhowmick từ Viện Nghiên cứu khoa học xã hội Tata, thành phố này đã không cấp thêm giấy phép kể từ năm 1970.

Rất nhiều những người bán hàng rong nói rằng cách duy nhất để có thể tiếp tục công việc kinh doanh của mình là đút cho cảnh sát một khoản tiền.

Trụ cột của thị trường bán buôn

Với rất nhiều người dân di cư từ làng quê ra các thành phố lớn, trình độ học vấn thấp, không có kĩ năng, bán hàng trên đường phố là cách mưu sinh duy nhất của họ.

Ngoài rau quả - những mặt hàng thường thấy nhất, quần áo, lược, ghế, va lí, giày dép, đồ ăn nhanh... cũng đều được bày bán ở vỉa hè.

Giáo sư Bhowmick đã tiến hành nghiên cứu trên sâu rộng về "truyền thống" bán hàng rong ở Ấn Độ. Ông cho biết những người bán hàng rong cũng đóng một vai trò lớn trong việc làm trụ cột cho thị trường bán buôn Ấn Độ.

“Những người bán hàng rong đóng góp cho kinh tế theo nhiều cách… Họ cung cấp các mặt hàng giá rẻ cho người dân thành phố, giúp những người dân nghèo thành phố và những người ở dưới tầng lớp trung lưu".

Những người bán hàng rong cũng có những đóng góp riêng đối với kinh tế Ấn Độ.

 Dù vậy, theo ông, tình trạng dẹp đường vẫn thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, và sau hàng loạt những "vận đen" xảy ra,  "rất nhiều người trong số họ đã không ra đường bán nữa”. Có thể họ cũng không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình.

"Tôi không thể làm gì khác bây giờ nữa vì tôi đã 36 tuổi rồi. Tôi không thể kiếm được công việc nào có thể nuôi sống cả gia đình lớn của mình". Nilesh Gupta, một người đã có thâm niên 20 bán hoa quả rong trên phố, đã phải tạm “bỏ nghề” vì nhiều lần bị cảnh sát phạt tiền.

Gupta nói rằng bố anh cũng từng làm nghề này.  "Bố mẹ tôi không được đi học, và đó là lí do vì sao chúng tôi làm công việc này. Tôi hi vọng tôi có thể kiếm đủ tiền để cho các con tôi được học tới nơi tới chốn".

Pushpa, một người bán rau quả rong tâm sự rằng họ muốn có những điều luật tốt hơn, vì điều đó không những giúp họ có thể tiếp tục công việc mà còn có thể chính thức trở thành một thành phần của nền kinh tế:  "Chúng tôi muốn đóng thuế hơn là đóng tiền phạt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại