Phần lớn châu Âu đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng cực đoan và cháy rừng dữ dội vào mùa hè qua. Ảnh: AP
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc (LHQ) cho hay tỷ lệ khí nhà kính cao kỷ lục trong khí quyển đang khiến mực nước biển và lượng băng tan lên mức cao mới, đồng thời khiến thời tiết khắc nghiệt gia tăng xuất hiện từ Pakistan đến Puerto Rico.
Thông tin này vừa được công bố tại sự kiện khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của LHQ ở Ai Cập hôm 6/11. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng hành tinh của chúng ta đang trên đà tiến tới điểm giới hạn khiến biến đổi khí hậu trở nên không thể đảo ngược.
WMO ước tính rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 sẽ cao hơn khoảng 1,15 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Điều này có nghĩa là mỗi năm kể từ năm 2016 đến nay đều là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Trong hai năm qua, hình thái thời tiết La Nina tự nhiên trên thực tế đã giữ cho nhiệt độ toàn cầu thấp hơn so với trước đây. Sau khi hiện tượng El Nino quay trở lại, sẽ không tránh khỏi khiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa trong tương lai, cùng với tình trạng nóng trên toàn cầu.
Theo ông Antonio Guterres, một loạt các báo cáo gần đây đã báo hiệu Trái Đất đang tiến gần đến viễn cảnh thảm họa khí hậu, cũng như khó có thể giới hạn ngưỡng tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Với tốc độ hiện nay, Trái Đất sẽ không giảm lượng khí thải, trong khi nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5 độ C.
Tình trạng ấm lên toàn cầu đã và đang làm cho thời tiết cực đoan trở nên khắc nghiệt hơn và xảy ra thường xuyên hơn trên khắp thế giới. Báo cáo của WMO lưu ý tình trạng hạn hán ở Đông Phi đã kéo dài 4 năm liên tiếp, chạm ngưỡng kỷ lục 40 năm, khiến 19 triệu người bị khủng hoảng lương thực.