Thế giới vẫn khát dầu, kỷ nguyên xăng dầu đắt đỏ sẽ còn kéo dài?

Thu Hương |

Kể cả khi giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 3 tháng trong mấy phiên gần đây, thế giới vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Và điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế cũng như chính trị toàn cầu.

Phiên 6/7, giá dầu thế giới thủng mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4, làm dấy lên niềm hi vọng trong các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và các tài xế trên toàn thế giới rằng những ngày tháng giá nhiên liệu cao chót vót có lẽ sắp chấm dứt.

Nhưng đáng tiếc là ngày đó vẫn chưa thể đến sớm, theo nhận định của tờ Bloomberg. Những yếu tố cơ bản về cung và cầu trên thị trường cho thấy giá dầu sẽ ở mức cao trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nữa.

Nhu cầu nhiên liệu vẫn đang tăng mạnh trong bối cảnh thế giới vừa thoát khỏi đại dịch Covid-19 và mở cửa trở lại. Không chỉ có vậy, chúng ta không có đủ các nhà máy lọc dầu để biến dầu thành xăng. Những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới đang cố gắng phá bỏ những rào cản ngăn cản họ tăng công suất. Và không thể không nhắc đến những căng thẳng ở Ukraine khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

 Thế giới vẫn khát dầu, kỷ nguyên xăng dầu đắt đỏ sẽ còn kéo dài?  - Ảnh 1.

Dự báo nhu cầu dầu của thế giới theo IEA (thùng/ngày)

"Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn đến vậy, xét theo mọi khía cạnh. Toàn thế giới đang bị ảnh hưởng", Fatih Birol, lãnh đạo của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA phát biểu tại một sự kiện hôm 12/7. Tệ hơn, ông nhận định điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới.

Tác động của giá dầu cao lên bức tranh kinh tế và chính trị quốc tế là rất lớn. Ở Mỹ giá xăng đã tăng 42% kể từ đầu năm đến nay, khiến tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm trở lại đây. Giá xăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến đảng Dân chủ gặp bất lợi và có nguy cơ bị đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào cuối năm nay. Từ Peru đến Sri Lanka, giá nhiên liệu tăng cao gây nên bất ổn xã hội. Cuộc cách mạng hướng về năng lượng sạch mà các nhà lãnh đạo thế giới đã bàn luận sôi nổi trong suốt mấy năm gần đây giờ đang có nguy cơ bị gạt sang một bên vì nguy cơ thiếu năng lượng.

Mùa xuân năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ và đẩy nhu cầu năng lượng xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Giá dầu thậm chí rơi xuống dưới 0. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại mọi thứ đã hoàn toàn đảo ngược. Theo dự đoán của IEA, sang năm 2023 tổng lượng dầu mà thế giới tiêu thụ sẽ vượt qua cả mức trước dịch.

Sẽ cần thời gian rất lâu để nguồn cung có thể bắt kịp. Trong báo cáo tháng trước, ngân hàng JPMorgan Chase đã vẽ ra viễn cảnh giá dầu vọt lên mức 380 USD nếu như Nga quyết định loại bỏ hàng triệu thùng dầu ra khỏi thị trường. Mặc dù Nga đã tìm thấy những khách hàng thay thế là Trung Quốc và Ấn Độ, tổng sản lượng của Nga đã giảm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày do bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận và nhiều nước e dè trước đối tác Moscow.

Khó có thể tìm thấy nguồn cung đủ mạnh để thay thế cho Nga. OPEC, nhóm sản xuất khoảng 40% tổng lượng dầu thô trên toàn thế giới, đang khó đạt được mục tiêu sản lượng đã đề ra. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều năm vốn đầu tư sụt giảm và bất ổn chính trị là những nguyên nhân khiến sản lượng đi xuống. Trong tháng 5, sản lượng của nhóm OPEC+ bị hụt 2,7 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.

Niềm hi vọng về nguồn cung từ OPEC được đặt vào 2 thành viên hiện đang dư thừa công suất: Saudi Arabia và UAE. Trong nỗ lực đẩy tăng nguồn cung để có thể hạ nhiệt giá dầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch thăm Saudi Arabia và gặp Thái tử Mohammed bin Salman – người mà trước đây ông đã từ chối nói chuyện, kể cả qua điện thoại. Nhưng vẫn chưa rõ Saudi Arabia và UAE có thể tăng sản lượng đến đâu. Tập đoàn dầu khí Aramco khẳng định có thể khai thác được 12 triệu thùng mỗi ngày nhưng trên thực tế từ trước đến nay họ mới chỉ đạt được con số đó 1 lần duy nhất.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng được lãnh đạo UAE chia sẻ tại 1 cuộc họp G7 rằng UAE hiện đang đạt công suất tối đa.

 Thế giới vẫn khát dầu, kỷ nguyên xăng dầu đắt đỏ sẽ còn kéo dài?  - Ảnh 2.

Không có dấu hiệu nào cho thấy ngành dầu đá phiến của Mỹ sẵn sàng giải cứu thế giới. Đúng là hoạt động khai thác tại Texas và New Mexico đang trở nên nhộn nhịp hơn. Nhưng toàn bộ phần còn lại của ngành dầu mỏ Mỹ đang ở trong trạng thái trì trệ. Tổng sản lượng khai thác hàng ngày của Mỹ hiện vẫn đang thấp hơn 1 triệu thùng so với thời điểm trước dịch.

Vấn đề không chỉ nằm ở những công ty dầu mỏ không thể sản xuất nhiều dầu hơn nữa. Một số thậm chí không muốn. 5 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới dự định sẽ đầu tư tổng cộng 81,7 tỷ USD trong năm nay, chỉ bằng một nửa số tiền họ đã chi trong năm 2013. Các công ty dầu đá phiến của Mỹ gần đây đang cố gắng thắt chặt chi tiêu sau nhiều năm "đốt tiền" mà không mang lại nhiều hiệu quả. Còn ở châu Âu, các tập đoàn lớn đang chuyển hướng từ dầu mỏ sang các loại năng lượng sạch hơn.

Bên cạnh đó là những nút thắt cổ chai trong ngành lọc dầu. Đại dịch đã buộc những công ty già cỗi và kém hiệu quả phải đóng cửa, khiến thế giới bị thiếu nguồn cung trầm trọng đến nỗi giá dầu thô không còn là thước đo chính xác cho mức giá mà người tiêu dùng phải trả. Ví dụ, tháng trước giá dầu ở Mỹ đã giảm 13% nhưng giá xăng chỉ giảm 6,5%.

Một lần nữa, đây lại là câu chuyện mất cân bằng cung cầu do cầu tăng đột biến. Sau 2 năm bị hạn chế đủ kiểu vì Covid, nhu cầu đi lại cả bằng đường bộ và đường hàng không tăng đột biến, gần quay trở lại mức trước dịch. Làn sóng tăng lãi suất và nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ khiến nhu cầu giảm đi, nhưng lịch sử cho thấy suy thoái kinh tế hiếm khi làm cho nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm mạnh.

Một số người cho rằng giá dầu cao sẽ thúc đẩy thế giới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang vấp phải rất nhiều trở ngại. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại, kể cả những nước đặt mục tiêu tham vọng nhất về chống biến đổi khí hậu cũng có xu hướng chi hàng tỷ USD để giữ cho các loại nhiên liệu truyền thống ở mức giá rẻ. Theo thống kê của Bloomberg, hơn 20 quốc gia đã áp dụng các biện pháp trợ giá để kìm đà tăng của giá xăng.

Bởi vì xăng dầu đắt đỏ ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát và điều đó kéo theo áp lực tăng lãi suất, các công ty năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với chi phí vốn gia tăng. 20 triệu xe ô tô chạy bằng điện trên toàn thế giới là không đủ để hạ nhiệt cơn khát nhiên liệu. Dự tính đến năm 2027 nhu cầu dầu thô dùng trong vận tải đường bộ mới đạt đỉnh

Trong báo cáo mới đây, Citigroup lạc quan dự báo giá dầu có thể giảm xuống mức 65 USD/thùng nếu như kinh tế thế giới suy thoái. Theo ngân hàng này, nhu cầu dầu chỉ suy giảm trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất, nhưng giá dầu sẽ giảm trong mọi cuộc suy thoái.

Tuy nhiên, hôm 8/7, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo điều ngược lại. Ông cho rằng phương Tây đã phạm phải sai lầm khi cấm vận dầu Nga. Nếu như điều này vẫn tiếp diễn, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ đối mặt với "những hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí là thảm khốc".

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại