Tác hại của nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người là rất lớn. Chính vì vậy, các nước đều đang tăng tốc trong cuộc chiến với rác thải nhựa.
Những món đồ nhựa dùng một lần từ thìa nhựa, ống hút, đĩa, hộp đựng thức ăn bằng xốp... đã bị cấm sử dụng tại các nhà hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 22/4 vừa qua. Đây là nỗ lực lớn nhất của chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhằm ứng phó với tình trạng rác thải nhựa gia tăng.
Bên cạnh Hong Kong (Trung Quốc), nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới như Liên minh châu Âu, Thái Lan, một số bang tại Mỹ đã áp dụng quy định cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, cấm sử dụng túi nylon tại các siêu thị nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Chị Leanne Tam - thành viên Tổ chức Hòa bình Xanh - nói: "Bất kỳ chính sách cấm nhựa nào cũng đều nhằm mục đích tác động đến công chúng tránh xa việc sử dụng nhựa. Chúng ta nên tiếp tục các chính sách này và cần có cách tiếp cận mới. Chúng ta không thể tiếp tục lạm dụng việc sử dụng nhựa để gây ô nhiễm môi trường".
Hơn 180 nước cũng đã cam kết loại bỏ rác thải nhựa đại dương. Trong khi đó, nhiều nước đang nỗ lực loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030.
(Ảnh: Loopify)
Giáo sư Richard Thompson - nhà sinh học biển tại Đại học Plymouth, Anh - cho biết: "Dọn dẹp không phải là giải pháp trọng tâm. Chúng ta cần rất nhiều các giải pháp mang tính hệ thống hơn và điều đó phải bắt đầu bằng việc giảm tổng khối lượng nhựa chúng ta đang sản xuất".
Ngoài giảm thiểu sản xuất nhựa, tái chế nhựa cũng là một giải pháp được các nước áp dụng.
Atacama - nơi được cho là núi rác quần áo cũ tại Chile, một trong những nguyên nhân lớn nhất tạo ra hạt vi nhựa - đang triển khai sáng kiến tái chế quần áo thành túi đựng nhằm góp phần giảm thiểu rác thải.
PGS. James Sternberg - thuộc Đại học Clemson, Mỹ - chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều cần tham gia và hiểu rõ chúng ta đang dùng loại bao bì nào, tạo ra loại rác thải nào, cách tái chế và cách chúng ta có thể làm điều đó một cách hiệu quả nhất. Cần có sự tham gia của chính những người tiêu dùng, của những người dân bình thường để xử lý chất thải một cách hiệu quả nhất".
Nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học, tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa cũng là một giải pháp để tăng cường giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo bà Judith Enck - Chủ tịch Nhóm vận động Beyond Plastics: "Nếu chúng ta mua sắm và nói với con em lý do chọn lọ thủy tinh thay cho chai lọ nhựa, đó cũng là cơ hội tốt để giáo dục con cái để giảm thiểu rác thải nhựa".
Đi cùng với đó là các giải pháp nghiên cứu, phát triển các vật liệu mới, an toàn, bền vững hơn để thay thế nhựa.