Thế giới liên tiếp ghi nhận những cột mốc mới đáng lo ngại về Covid-19

Vũ Anh Tuấn |

Thế giới đang chứng kiến sự lây lan khủng khiếp của Covid-19 khi chỉ trong 4 ngày số ca bệnh toàn thế giới tăng thêm 1 triệu ca.

Với con số hơn 14 triệu, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã đánh dấu cột mốc mới trong quá trình lây lan của dịch bệnh vốn cướp đi sinh mạng của hơn gần 600.000 người chỉ trong vòng 7 tháng qua. Nhiều quốc gia phải tái siết chặt biện pháp kiểm soát để ngăn Covid-19 lây lan.

Thế giới đang chứng kiến sự lây lan khủng khiếp của Covid-19 khi chỉ trong 5 ngày số ca bệnh toàn thế giới tăng thêm 1 triệu ca. Kể từ khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau 3 tháng số ca bệnh chạm mốc 1 triệu trường hợp. Tới ngày 13/7, thế giới mất 5 ngày để số ca bệnh nhảy từ 12 triệu lên 13 triệu trường hợp. Đến hôm nay (18/7), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới vượt mốc 14 triệu người.

Trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 mới cũng tăng lên mức kỷ lục 237.734 trường hợp. Theo báo cáo hàng ngày, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Kỷ lục trước đó được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận là vào hôm 12/7 với 230.370 ca nhiễm/ngày. Hiện có 3 nước có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1 triệu người là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là nước Mỹ với ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm và hơn 142.000 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 77.255 ca mắc mới. Đây cũng là số ca mắc kỷ lục mà Mỹ ghi nhận trong ngày kể từ đầu mùa dịch. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do Covid-19 ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng 8/2020

Tại Brazil, số ca mắc Covid-19 không còn ở cấp số nhân nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang ở “tâm của cuộc chiến” khi số ca mắc mới và số người thiệt mạng vẫn tăng hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Mike Ryan cho biết, số ca nhiễm mới tại Brazil hiện ở mức 40.000 đến 45.000 mỗi ngày, trong khi số ca tử vong mỗi ngày là khoảng 1.300 ca.

Ông Mike Ryan nói: “Khi những con số đó ổn định, có cơ hội để giảm các ca nhiễm mới. Tôi nghĩ giờ là thời cơ của Brazil. Tuy nhiên, sẽ cần có một hành động chắc chắn và bền bỉ để kiểm soát được dịch bệnh. Tôi hy vọng các nhà chức trách Brazil, các nhân viên y tế tuyến đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh”.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, ở mức 34.820 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên trên 1 triệu người. Phần lớn ca nhiễm tại nước này tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Một quốc gia khác trên thế giới là Argentina cùng ngày công bố quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp cách ly xã hội với một số điều chỉnh linh hoạt tại Thủ đô Buenos Aires và vùng đô thị lân cận. Quyết định được đưa ra nhằm từng bước đưa cuộc sống của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới vẫn không ngừng tăng trong những ngày gần đây.

Theo Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu và phải rất lâu nữa tình hình mới trở lại trạng thái bình thường: "Chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Do đó, cần thực hiện giãn cách xã hội càng nhiều càng tốt. Tôi sẽ không ngần ngại quay lại áp đặt các biện pháp phong tỏa nếu mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Trong khi đó, tại châu Âu, dịch bệnh đang tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, hiện các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng cho thời kỳ hậu Covid-19 do vấp phải ý kiến phản đối từ nhóm nước theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng” mà đứng đầu là Áo và Hà Lan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại