Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, Mỹ đứng đầu thế giới với hơn 1,48 triệu ca mắc bệnh và hơn 88.500 ca tử vong. Trong ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington đang cân nhắc nhiều đề xuất liên quan tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có đề xuất nối lại tài trợ khoảng 10% mức trước đây cho tổ chức này. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh hiện chưa có quyết định cuối cùng và mọi hoạt động tài trợ của Mỹ dành cho WHO vẫn đang "đóng băng".
Dịch bệnh đã tác động mạnh tới nền kinh tế số 1 thế giới, buộc chính phủ nước này phải tung nhiều gói cứu trợ khẩn cấp nhằm sớm ổn định tình hình. Hạ viện Mỹ mới thông qua dự luật do đảng Dân chủ đề xuất trị giá 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình. Dự luật đề xuất gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời đề xuất 75 tỷ USD cho việc xét nghiệm, thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ, 10 tỷ USD trợ cấp khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và 25 tỷ USD cho cơ quan Dịch vụ Bưu chính. Tuy nhiên, dự luật có thể không được thông qua tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch. JCPenney đã làm thủ tục tự nguyện theo Chương 11 của Luật phá sản tại một tòa án phá sản ở Mỹ sau khi không thể trả lãi đối với các khoản vay đáo hạn hồi tháng 4 vừa qua. Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, CPenney sẽ buộc phải đóng cửa một số cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Được thành lập năm 1902, JCPenney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.
Cũng vì dịch bệnh, lần đầu tiên trong hơn 200 năm, Hạ viện Mỹ cho phép các nghị sĩ bỏ phiếu từ xa. Cụ thể, quy định mới cho phép các nghị sĩ có thể chọn một người ủy nhiệm và cung cấp những chỉ dẫn chính xác về việc bỏ phiếu bầu cho họ. Thay đổi này cũng mở đường cho việc các Hạ nghị sĩ có thể bỏ phiếu từ xa bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại trong tương lai. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng cho phép các ủy ban có thể họp trực tuyến, thay vì phải gặp mặt trực tiếp như trước đây.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, LB Nga ngày 16/5 ghi nhận thêm 9.200 ca nhiễm virus, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 272.043 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 2/5. Tuy nhiên, số ca tử vong đã tăng thêm 119 ca lên 2.537 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, Tây Ban Nha thông bao số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này tăng 102 ca và là số ca tử vong tăng trong ngày thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận từ giữa tháng 3. Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ tổng số ca tử vong vì dịch bệnh của nước này hiện là 27.563 ca, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 230.698 ca. Trong một nỗ lực nhằm sớm mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, Chính phủ Italy, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu, công bố sắc lệnh cho phép các du khách từ các quốc gia khác trong EU và Khu vực Schengen đến quốc gia này từ ngày 3/6 và dỡ bỏ những hạn chế về đi lại giữa các vùng của Italy vào cùng thời điểm này.
Tại châu Á, ngày 16/5, Iran đã ghi nhận thêm 35 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnhlên 6.937 ca. Đây là số ca tử vong thấp nhất trong ngày kể từ ngày 7/3 vừa qua. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.757 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 118.392 ca. Tại cuộc họp của lực lượng đặc trách chống COVID-19, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã công bố lịch trình nới lỏng sâu thêm các biện pháp tại nước này.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này hiện ở mức 85.940 ca, lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh Trung Quốc (82.941 ca), nơi dịch bệnh khởi phát. Từ ngày 7/5, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đều ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, có khi còn vượt 4.000 ca mới/ngày. Trong khi vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, vốn được áp đặt từ ngày 25/3, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh, chính phủ Ấn Độ cũng đang dần cho phép nối lại các hoạt động kinh tế. Do đó, các ca mắc mới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 16/5 thông báo thêm 19 ca nhiễm virus, mức tăng thấp nhất trong 1 tuần qua, khi các ca nhiễm liên quan đến ổ dịch ở quận giải trí ban đêm Itaewon, thủ đô Seoul, cũng đang có xu hướng giảm dần. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/5 số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc dưới mức 20 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 6/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Khu vực Đông Nam Á ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong ngày 16/5. Đây là ngày mà Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca mắc mới hay tử vong nào do dịch bệnh trong bối cảnh nước này bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và nới lỏng hạn chế. Từ ngày 17/5, Thái Lan sẽ cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng mua sắm được hoạt động trở lại. Nước này sẽ rút ngắn bớt 1 giờ lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 23h hôm trước tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 22h như trước đó. Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.025 ca mắc và 56 người tử vong do dịch COVID-19.
Ngày 16/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo bệnh nhân mắc bệnh cuối cùng của nước này đã hồi phục và xuất viện. Dù không còn ca mắc COVID-19 nào nhưng Bộ Y tế Campuchia vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng. Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 ca nhiễm virus và không có ca nào tử vong. Lần mới nhất quốc gia này ghi nhận ca nhiễm mới là ngày 12/4.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Ngày 16/5, Singapore, quốc gia đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực, thông báo ghi nhận thêm 465 trường hợp nhiễm virus, đưa tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 27.356 ca.
Tính đến ngày 16/5, Indonesia ghi nhận tổng cộng 17.025 ca mắc bệnh và 1.089 ca tử vong. Malaysia cũng thông báo tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại đây lần lượt là 6.872 và 113 ca. Trong khi đó, Philippines ghi nhận tổng cộng 12.305 ca nhiễm virus và 817 ca tử vong. Từ ngày 16/5, quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila, tâm dịch của cả nước, và nhiều thành phố lớn khác cũng dần tái khởi động các hoạt động kinh tế sau thời gian trì trệ vì các biện pháp cách ly.