Nhiệt độ trung bình toàn cầu hôm 3/7 đã đạt 17,01oC, vượt qua kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2016 là 16,92oC.
Nhiệt độ không khí trung bình của thế giới dao động trong khoảng 12oC đến dưới 17oC vào bất kỳ ngày nào trong năm, trung bình là 16,2oC vào đầu tháng 7 từ năm 1979 đến năm 2000.
Miền Bắc nước Mỹ đang phải trải qua hiện tượng vòm nhiệt cực đoan trong những tuần vừa qua, nhiệt độ có nơi lên đến 46 - 48oC.
Tại Trung Quốc, nắng nóngnắng nóng vẫn đang kéo dài, nhiệt độ ở đây luôn trên mức 35oC.
Khu vực Bắc Phi cũng ghi nhận mức nhiệt gần chạm 50oC.
Người đàn ông giao nước ở Ấn Độ trong đợt nắng nóng năm nay. (Ảnh: Bloomberg)
Ở Nam Cực, mặc dù đang trong mùa đông, nơi này cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường. Trạm nghiên cứu Vernadsky của Ukraine gần quần đảo Argentine cho biết, Nam Cực gần đây đã đạt mức nhiệt 8,7oC, phá kỷ lục nhiệt độ của tháng 7.
"Đây không phải là một cột mốc để chúng ta ăn mừng. Đây là bản án tử dành cho con người và hệ sinh thái", hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học khí hậu Friederike Otto của Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham, Đại học Hoàng gia Anh London.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân cho mức nhiệt tăng kỷ lục của toàn cầu.
"Thật không may, kỷ lục này mới chỉ là một trong một loạt kỷ lục mới có thể sẽ được thiết lập trong năm nay. Lượng khí thải, khí nhà kính ngày càng tăng, kết hợp với El Nino sẽ đẩy nhiệt độ lên một mức cao mới", nhà nghiên cứu Zeke Hausfather tại tổ chức Berkeley Earth chuyên phân tích dữ liệu nhiệt độ cho biết.