Cách đây 2 ngày, cư dân mạng trong nước và cả nước ngoài xôn xao vì một cô gái 20 tuổi mang tên Jen Selter ở New York, Mỹ. Cô này có 1,3 triệu người theo dõi ở địa chỉ @jenselter trên mạng chia sẻ ảnh Instagram. Và lý do thì hãy nhìn vào ảnh của Jen: vòng 3 của Jen đẹp như... truyện tranh.
Chỉ 2 ngày sau, số lượng người theo dõi của Jen tăng lên 1,5 triệu người. Cô đã trở nên nổi tiếng vì nổi tiếng. Và sự nổi tiếng ban đầu khởi nguồn khá đơn giản, từ vòng 3. Cô thu hút hàng loạt nhà tài trợ lớn, từ các hãng đồ thể thao như Nike, nước đóng chai cho đến thực phẩm chức năng.
Mặc dù Jen Selter nói rằng cô muốn trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người quan tâm đến cơ thể, một lý do khá nhân văn, nhưng điều đó không lý giải được sự nổi tiếng: ngay tại nước Mỹ, rất nhiều VĐV Olympic, đáng ra phải là những hình mẫu đầu tiên khi công chúng cần cảm hứng chăm sóc và làm đẹp cơ thể, vẫn đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo và chẳng ai quan tâm. Đặc biệt là các môn ít tiền thưởng như đua thuyền hay điền kinh.
Jen Selter là một ví dụ cơ bản cho “famous for being famous” – những người nổi tiếng không theo lẽ thông thường, tức là cần tài năng biểu diễn, viết lách, chính trị,... Ngành truyền thông Mỹ và phương Tây nói chung đã chứng kiến rất, rất nhiều cá nhân như thế.
Kim Kardashian, một cô gái “siêu vòng 3” khác, cũng đã phất lên đầu tiên vì cô ta có một cuốn băng sex với ca sỹ Jay J, rồi sau đó là tham gia một chương trình truyền hình với tư cách... con ghẻ của ngôi sao điền kinh Bruce Jenner. Bây giờ thì chả ai quan tâm đến việc Kim phất lên từ đâu, có tài năng gì, cô cứ thản nhiên lên báo với tư cách một người nổi tiếng như điều đó đã được quy định từ kiếp nào.
Paris Hilton vì sao nổi tiếng? Cô là người thừa kế của nhà Hilton, nhưng thế giới có biết bao nhiêu người thừa kế giàu có và xinh đẹp hơn Paris? Hoặc Sienna Miller: cô là bạn gái của Jude Law, rồi tài tử này phản bội cô để ngủ với người giúp việc. Thế là nổi tiếng, siêu nổi tiếng.
Hãy thừa nhận một thực tế chung là thế giới rất phù phiếm. Từ năm 1961, năm mà học giả Daniel J.Boorstin đưa ra khái niệm “nổi tiếng vì nổi tiếng”, ông đã tiên đoán được rằng “cuộc cách mạng hình ảnh của báo chí và các phương thức truyền thông mới sẽ tạo ra danh tiếng từ hư vô”. Điều này, đến thời đại của báo mạng, facebook, Youtube được chứng minh rất rõ ràng.
Việt Nam chúng ta đang chứng kiến một làn sóng mới những người “famous for being famous” – nổi tiếng vì nổi tiếng. Bà Tưng là ví dụ tiêu biểu nhất. Cô khá giống với Jen Selter và thay vì mông thì cô nổi tiếng bằng ngực.
Mới đây có thêm “hot boy mất xe Vespa” hay là “cô gái bán bánh tráng xinh như hot girl”, và trên thực tế thì đại đa số những người được truyền thông phong là “hot girl” hầu hết đều không/chưa thể hiện được tài năng trong các lĩnh vực biểu diễn. Người ta thường xuyên phải thốt lên rằng: “Tôi không hiểu tại sao cô này/anh này nổi tiếng”.
Kể lại câu chuyện của Jen Selter để thấy rằng sự phù phiếm hình như là một mẫu số chung của nhân loại. Và bởi vì các nền truyền thông phát triển nhất đều đã chứng kiến hiện tượng này, nên ở Việt Nam, điều đó không có gì lạ.
Một trong những lý do khiến người nổi tiếng "vì ngực vì mông vì không gì cả" trở nên nổi tiếng hơn, là bởi vì có quá nhiều người bực dọc, bận tâm đến họ, nhao nhao phản đối, chê bai, hay nói cách khác, đòi lại sự công bằng cho khái niệm nổi tiếng.
Nay xin khẳng định việc đó là không cần. Thế giới họ cũng vậy. Sự nổi tiếng từ hư vô kiểu ấy là chuyện bình thường và ai thích ngắm cái gì cứ để họ ngắm, công sức lý luận về đạo đức và logic, hãy dành cho những điều quan trọng và nhức nhối hơn.