Thị trấn ma "trồi lên" từ lòng sông

Mặc dù không khỏi ngao ngán sự cạn kiệt khô cằn “như trên mặt trăng” của hồ Folsom do hạn hán kỷ lục nhưng nhiều người khó cưỡng nổi sức hút từ tàn tích của thị trấn ma.

Nhà máy Năng lượng Folsom ở phía tây bang California im ắng đến rợn người. Những cột khói cao ngút của nhà máy 210-megawatt này nguội lạnh bởi đâu còn đủ nước để chạy các tua-bin. Nó nằm trong trong số hơn chục nhà máy điện trong bang buộc phải đóng của hoặc sản xuất cầm chừng vì hậu quả của trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử California đang diễn ra.

Nữ du khách miệt mài chụp ảnh tàn tích nổi lên trong hồ Folsom, California. Ảnh: Bloomberg

California hứng chịu đợt hạn hán kỉ lục kể từ năm 1895. Bắt đầu từ năm 2013, hạn hán kéo qua năm nay và biến đất đai trong bang khô cằn tồi tệ do những hồ nước phục vụ cho thủy điện, vốn cung cấp 1/3 năng lượng cho toàn bang, đã cạn kiệt.

Nước rút ở hồ thủy điện Folsom phơi bày ra một cảnh tượng khiến người dân địa phương vừa kinh hãi vừa hiếu kỳ, đồng thời khiến những người ưa thích khảo cổ cực kỳ thích thú. Đó là tàn tích của thị trấn cơn sốt vàng California bị dòng nước bao phủ 60 năm qua.

Thị trấn này vốn là nơi náo nhiệt nhất trong cơn sốt vàng đầu tiên nổ ra ở California vào năm 1848. Nó bị chôn vùi dưới nước vào năm 1955 khi chính phủ liên bang xây dựng một hệ thống đập và nhà máy điện trên sông American River để lấy nước từ dãy núi Sierra Nevada – thứ lúc này còn quý hơn vàng ở California.

Suốt gần 60 năm qua, đây là lần đầu tiên hồ Folsom cạn khô.

“Ngắm nhìn thị trấn “sốt vàng” đang trồi lên đúng thời điểm hạn hán này thật đáng sợ” – một y tá 55 tuổi từ Sacramento cho biết. Bà lặn lội tới hồ Folsom để khám phá di sản của thị trấn nổi danh hồi thế kỉ 19 còn được biết đến với cái tên Đảo Mormon.

“Nhà máy điện ở đây không còn hoạt động vì nước đã cạn kiệt. Vậy nước đã đi đâu? Chuyện gì đã xảy ra?” - nữ y tá đặt ra nhiều câu hỏi gợi nhiều tưởng tượng!

Giá điện ở California có khả năng tăng cao kì lục nhất 6 năm qua do chi phí sản xuất đội lên quá cao. Ảnh: Bloomberg
Giá điện ở California có khả năng tăng cao kì lục nhất 6 năm qua do chi phí sản xuất đội lên quá cao. Ảnh: Bloomberg

Hiện tại nhiều gia đình và các cặp yêu nhau rồng rắn kéo tới hồ, mang theo giỏ picnic và sẵn sàng trả mức phí 12 USD để bì bõm trong lớp bùn bẩn và tìm hiểu nơi từng là khu vực có 5 cửa hàng bách hóa, 4 khách sạn và 3 tiệm tạp hóa.

Du khách từ những nơi xa xôi như tiểu bang Utah cũng tìm tới. Không rõ họ có tham vọng “vô tình” lượm được mẩu vàng nào còn sót lại hay không, bởi lặn lội xa xôi như vậy chỉ để tận mắt nhìn thấy những mẩu đất đá, sắt vụn hay kính vỡ của Đảo Mormon xưa cũ thì quả là quá kỳ công.

Theo Fox News, Cơ quan khí tượng Mỹ hôm 23-2 dự báo trong những tuần sẽ có khoảng 3-4 cơn bão đem mưa tới California. Mặc dù không dễ chịu gì khi hứng bão nhưng đây có thể coi là tin vui đối với người dân California đang khát mưa hơn bao giờ hết.

Đàn gia súc tại California cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì không còn cỏ ăn. Ảnh: LA Times

Các nhà khí tượng cũng cho biết lượng mưa sẽ không đủ kết thúc tình trạng hạn hán ở bang tập trung 38 triệu dân này và theo tính toán của Trung tâm Thời tiết Quốc gia, năm nay California cần lượng mưa gần gấp đôi các khu vực ở Los Angeles và Vùng vịnh San Francisco.

Cơn bão đầu tiên sẽ đổ bộ vào ngày 26-2 được dự báo mang theo lượng mưa không đáng kể và kéo dài tới ngày 27-2. Tới ngày 28-2, cơn bão thứ hai đổ bộ toàn bang trong 24 giờ. Vào ngày 8-3, dự báo hai cơn bão Thái Bình Dương tấn công khu vực bờ biển và tuyết rơi tại dãy núi Sierra Nevada.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại