Nằm sâu trong khu rừng nhiệt đới Amazon của Brazil tồn tại một bộ tộc thiểu số Amondawa với nhiều đặc điểm vô cùng thú vị. Những cư dân Amondawa chưa bao giờ có khái niệm về thời gian hay sử dụng những từ như: phút, giờ, ngày, tháng, năm… bởi điều này với họ vô cùng mơ hồ và khó hiểu.
Kể từ khi tộc người Amondawa lần đầu tiên được phát hiện, tiếp xúc với thế giới bên ngoài vào năm 1986, các nhà nghiên cứu vẫn chưa hết ngỡ ngàng với những phong tục kỳ lạ của cư dân nơi đây.
Theo các nhà nghiên cứu, dường như bộ tộc này chỉ sống trong một thế giới đơn giản với các sự kiện diễn ra xung quanh hàng ngày mà không quan tâm thế giới bên ngoài diễn ra thế nào.
Trong từ điển ngôn ngữ của họ không có từ chỉ ngày, tháng, năm..., không có quá khứ, hiện tại, tương lai... mà chỉ có "ngày" và "đêm". Người Amondawa quan niệm, trời sáng là ban ngày, đó là lúc họ phải thức dậy, làm việc, kiếm ăn, còn khi trời tối thì đi ngủ. Mùa khô thì ngập nắng, ngược lại, mùa mưa thì mưa nhiều.
Với một bộ tộc không tồn tại khái niệm thời gian như Amondawa thì tuổi tác cũng không còn ý nghĩa. Tất cả những cư dân của bộ tộc Amondawa đều không biết chính xác tuổi của mình. Họ chỉ có thể nhìn vào cơ thể của một người để nhận biết, ước lượng, từ đó tìm cách gọi là chính xác nhất - trẻ con, người trưởng thành hay người già.
Dù cho nhà ngôn ngữ học Wany Sampaio và nhà nhân chủng học Vera da Silva Sinha, đã cùng sống 8 tuần với người Amondawa, cố gắng truyền đạt, giải thích các khái niệm như "tuần tới" hoặc "năm ngoái" nhưng đều bất lực. Người Amondawa cho rằng, những điều này thật quá rắc rối, lằng nhằng và họ không cần phải hiểu.
Bên cạnh việc không có khái niệm thời gian, người Amondawa còn có một phong tục kỳ lạ khác, đó là đổi tên tùy hứng. Người Amondawa quan niệm, sinh ra và mất đi là một điều hoàn toàn tự nhiên, bởi vậy, sẽ không ai cần phải ghi chép, quản lý về ngày sinh, mất của từng người.
Tuy vậy, khi mỗi đứa trẻ Amondawa ra đời, bố mẹ của chúng cũng sẽ chọn một cái tên để đặt cho con. Song điều kỳ lạ là cái tên đó sẽ không đi theo đứa bé suốt cuộc đời, mà nó đôi khi sẽ được thay đổi "tùy hứng".
Hình ảnh ngôi nhà của tộc người Amondawa.
Có người Amondawa thậm chí có đến vài chục cái tên kể từ khi sinh ra đến khi mất đi. Lâu lâu thấy chán, họ lại tìm đến tộc trưởng và báo một cái tên mới mà họ thích hoặc mới nghĩ ra. Lúc này, tộc trưởng sẽ có nhiệm vụ thông báo với cả bộ tộc về cái tên mới và kể từ đó, họ sẽ phải quen dần với nó.
Nhưng với một số cư dân Amondawa, họ thay đổi tên là để phản ánh, ghi nhớ từng giai đoạn, vị trí của mình trong xã hội. Ví dụ như một đứa trẻ có thêm đứa em, nó sẽ nhường tên cho đứa trẻ sơ sinh mới chào đời và lấy một cái tên khác.
Chính bởi khái niệm thời gian không tồn tại với người Amondawa nên họ không để ý cũng như biết đến ngày lễ, tết chung của thế giới. Nhưng điều này không có nghĩa là bộ tộc này không có lễ hội, sự kiện đặc biệt nào.
Trái lại, nếu một gia đình nào đó có thành viên mới hoặc một ai hạ gục được con thú to là họ sẽ lập tức tổ chức lễ hội ăn mừng. Đôi khi, nếu "hứng", những cư dân bộ tộc sẽ lại tụ tập, ăn mừng.
Ít ai ngờ, mỗi dịp "ăn chơi, nhảy múa" như vậy của người Amondawa sẽ diễn ra liên tục trong suốt 7 ngày, đêm. Họ sẽ cùng tưởng nhớ về người thân yêu đã khuất, cầu mong được người bề trên bảo vệ, tránh khỏi ma quỷ và giúp họ xua đuổi kẻ thù.
Trước khi tham dự lễ hội, ai ai trong bộ tộc cũng đều tấp nập trang điểm, sửa sang, chuẩn bị kỹ lưỡng để "biến" mình trở thành người đẹp nhất đêm hội. Và một việc không thể thiếu với mỗi cư dân Amondawa cần làm là xăm môi đen.
Bởi theo họ, cặp môi đen tuyền nổi bật trên khuôn mặt thể hiện sự quyến rũ, ấn tượng không ai sánh bằng. Do đó mà người nào có cặp môi càng đen, người đó càng đẹp.
Ngày nay, khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cư dân bộ tộc Amondawa cũng biết về thông tin và học hỏi được nhiều hơn. Tuy vậy, cuộc sống của người Amondawa vẫn cứ hồn nhiên, vô tư, tự do mà không quan tâm đến thời gian bởi chỉ cần nhắc đến khái niệm này, họ sẽ lại tỏ ra thờ ơ.