Nhắc tới Paris - thủ đô nước Pháp, người ta nghĩ ngay tới kinh đô ánh sáng hoa lệ với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng toàn thế giới như tháp Eiffel, đại lộ Champs-Élysées… Trong khi đó, nhắc tới Hà Nội - thủ đô Việt Nam, điều gợi nhắc tới với các du khách đó chính là vẻ đẹp thanh bình và cổ kính được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.
Cùng quay ngược thời gian, đắm chìm trong vẻ yên bình để xem cách đây hai thế kỷ, những địa danh này có gì đặc biệt, nổi bật qua chùm ảnh dưới đây.
I. Paris thế kỷ XIX - vẻ đẹp của sự xa hoa, thịnh vượng nhưng vẫn còn góc khuất…
Toàn cảnh sông Seine thơ mộng được chụp vào năm 1854. Phía bên trái bức hình là khung cảnh công trường xây dựng một phần mới của bảo tàng Louvre nổi tiếng.
Hình ảnh Académie de la Palette được chụp năm 1900. Đây là một trường nghệ thuật danh giá của Pháp hoạt động từ năm 1888 - 1914 gần đồi Montmartre. Điều kỳ lạ là học viện trên nằm ngay sát hộp đêm Moulin Rouge với biểu tượng cối xay gió màu đỏ - nơi khai sinh ra các điệu nhảy hiện đại trong các vũ trường ở châu Âu sau này.
Bến cảng tấp nập thuyền bè bên sông Seine. Từ đằng xa, ta có thể quan sát được tháp Eiffel, biểu tượng không chỉ của thủ đô Paris mà là của toàn nước Pháp.
Đại lộ Champs-Élysées cuối thế kỷ XIX với góc nhìn từ Place de la Concorde. Theo mô tả của nhiều người, đây là con đường đẹp nhất thế giới. Con đường dài khoảng gần 2km này là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng Khải Hoàn Môn nổi tiếng của nước Pháp cũng như chứng kiến lễ duyệt binh của quân đội Pháp mỗi dịp quốc khánh hàng năm.
Tháp Eiffel nổi tiếng toàn thế giới đang trong quá trình xây dựng tầng thứ hai ngày 15/5/1888. Có một điều thú vị là vào thời điểm tòa tháp được xây dựng, dư luận Pháp phần lớn đều phản đối công trình này. Họ cho rằng, nó là nỗi xấu hổ cho vẻ đẹp hoa lệ vốn có của Paris. Thế nhưng, ngay trong tuần đầu tiên sau khi khánh thành, 28.922 người đã đi bộ trèo lên tòa tháp cao 300m này chỉ để thỏa mãn trí tò mò.
Phố Constantine (Rue de Constantine) năm 1865. Đây vốn là một con đường cao tốc nằm ở quận 7 Paris. Cái tên Constantine được đặt năm 1880, theo tên của một thành phố quan trọng ở Algeria (thuộc địa cũ của Pháp).
Bệ đi tiểu công cộng ở Paris được chụp năm 1876 bởi nhiếp ảnh gia Charles Marville. Chỉ một chi tiết thôi cũng đủ khắc họa sự hiện đại của Paris vào thời kỳ đó. Người ta coi đây là một trong những thành phố văn minh nhất trên thế giới trong thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp xa hoa, sự thịnh vượng và hiện đại, Paris cũng có những góc khuất. Năm 1871, chiến tranh Pháp - Phổ xảy ra với sự thất bại nặng nề của nước Pháp.
Thủ đô Paris phải gánh chịu sự bắn phá nặng nề. Trên đây là hình ảnh hoang tàn với những khu nhà cũ nát, tồi tàn ở đường Champlain (Rue Champlain) năm 1877 - 8 năm sau cuộc chiến là một minh chứng hùng hồn.
2. Hà Nội thế kỷ XIX - một vẻ đẹp giản dị, đơn sơ và chất phác
So với Paris ở cùng thời kỳ, thủ đô Hà Nội ta khó có thể sánh được về sự phát triển kinh tế cũng như sự tấp nập, thịnh vượng. Hà Nội đẹp bởi các công trình kiến trúc mang màu sắc Á Đông, cổ kính cũng như vẻ thanh bình vốn có.
Cuối thế kỷ này, với sự xuất hiện của thực dân Pháp, những công trình kiến trúc mới lạ mang hơi hướng Tây phương dần dần xuất hiện tại thủ đô ngàn năm văn hiến.
Hình ảnh đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) và khách sạn Metropole ở Hà Nội. Khách sạn 5 sao này khai trương tháng 8/1901, từng là nơi nghỉ tuần trăng mật của cặp đôi Charlie Chaplin và Paulette Goddard năm 1936 sau khi kết hôn tại Thượng Hải.
Ngoài ra, Metropole còn nổi danh bởi căn hầm trú ẩn sâu tới 1,5 m của nữ diễn viên Mỹ - Jane Fonda và ca sỹ nhạc dân gian Joan Baez trong thời kỳ chiến tranh những năm 1960. Ngày nay, phía trên căn hầm là quán cà phê La Terrasse ở phố Lê Phụng Hiểu.
Bờ hồ Hoàn Kiếm gần lối vào đền Ngọc Sơn được nhiếp ảnh gia Pháp - Firmin André Salles (1860-1929) chụp lại năm 1896. 20 năm sau khi bức ảnh này được chụp, một trạm tàu điện đã được xây dựng ở đúng khu vực này, trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội trong thế kỷ XX.
Hình ảnh phố Hàng Bông ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX tương đối sầm uất. Thời chúa Trịnh Tùng (1550 - 1623), phố này nằm trong quần thể vương phủ, khởi dựng vào năm 1595. Tới thế kỷ XX, Hàng Bông gắn liền với hình ảnh tàu điện leng keng của Hà Nội xưa.
Đây là bức ảnh chụp phố Phạm Ngũ Lão ở Hà Nội. Tác phẩm này được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Heliog Dujardin thực hiện, từng được xuất bản trong cuốn L’Indochine (Đông Dương) của tác giả Louis-marie Salaün xuất bản ở Pháp năm 1903. Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên “La rue de la concession” tức phố Nhượng địa hay khu vực tô giới ở Hà Nội.
Hình ảnh trường đua ngựa đầu tiên của Hà Nội, là nơi giải trí chủ yếu của giới quý tộc, quan chức thời Pháp thuộc trong thế kỷ XIX. Ngày nay, nó đã trở thành Cung thể thao Quần Ngựa ở phố Liễu Giai.
Hình trên là phía bên ngoài của Đền Quán Thánh - một trong Thăng Long tứ trấn xưa kia. Phía bên trái chính là hồ Tây rộng lớn. Vào thời điểm bức ảnh được chụp, đường Thanh Niên như ngày nay vẫn chưa ra đời.
Con đường này mãi tới sau khi giải phóng thủ đô, do thanh niên Hà Nội đổ đất mở rộng, nắn thẳng làm thành đường lớn. Cái tên ban đầu của đường là Cổ Ngư, đọc chệch đi của Cố Ngự - tên con đập chặn giữ cá nuôi ở hồ Trúc Bạch đầu thế kỷ XVII.
Đây là hình ảnh bốn trụ cột ở lối vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1896. Người Pháp gọi công trình này là “chùa Quạ” vì không hiểu sao có rất nhiều quạ làm tổ ở khu vực này.
Ảnh chụp từ chân cầu Long Biên cuối thế kỷ XIX. Khi đó, cầu có tên cầu Doumergue - lấy tên vị toàn quyền Pháp ở Đông Dương đứng ra cho xây dựng. Người dân Hà Nội lúc bấy giờ gọi cầu là cầu Cái, hay cầu Bồ Đề vì nó bắc qua bến Bồ Đề, Gia Lâm ngày nay.
Ảnh chụp vườn bách thảo ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX. Đây là công viên cây xanh với diện tích ban đầu hơn 33ha do người Pháp xây dựng ngay khi mới đặt chân tới thủ đô. Trước đây, vườn bách thảo sở hữu nhiều giống cây bản địa quý hiếm ở trong và ngoài nước do giới khoa học Pháp mang tới.