Ami Vitale là một nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim từng làm việc cho National Geographic và tác nghiệp tại hơn 85 quốc gia. Ami có rất nhiều kinh nghiệm trong việc khắc họa cuộc sống của con người, từ những góc khuất nhất như nghèo đói, bạo lực, nội chiến…
Trong chuyến đi tới Kenya, bà đã tham gia vào một dự án nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, nhất là người dân châu Phi về việc nâng cao sự bảo vệ các loài động vật quý hiếm trước nạn săn bắt trái phép đang hoành hành…
Buôn bán động vật hoang dã là một trong những vấn nạn gây nhức nhối toàn cầu hiện nay. Châu Phi và đặc biệt là những quốc gia nghèo ở lục địa này luôn được coi là “thiên đường” với những kẻ săn bắt trộm.
Thậm chí có những vườn quốc gia sẵn sàng đấu giá cho quyền đi săn động vật quý hiếm như tê giác, sư tử, voi… để kiếm thêm thu nhập thay vì tìm cách bảo vệ chúng theo đúng tôn chỉ ban đầu khi thành lập.
Nhằm góp một phần công sức trong việc chống lại thực tại xấu xa nói trên, nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim Ami Vitale đã phối hợp với Ủy ban bảo vệ thiên nhiên LEWA và Tổ chức The Northern Rangelands Trust thực hiện một dự án lớn. Thông qua nhiếp ảnh, họ sẽ cùng tái hiện lại công cuộc chống săn bắn động vật quý hiếm của người dân Bắc Kenya và nhân rộng mô hình có ích này trên toàn thế giới.
Khu vực nơi dự án được tiến hành là miền Bắc Kenya, địa điểm sinh sống của 14 dân tộc bản địa bán du mục như Bajun, Boni, Borana, Giriama… Trước đây, khu vực này thường xuyên “nóng” lên bởi tình trạng tranh chấp lãnh thổ, những xung đột giữa các bộ tộc với nhau.
Lợi dụng tình hình đó, nhiều kẻ săn bắn trộm với mạng lưới hoạt động tinh vi đã tha hồ hoành hành, tàn phá không biết bao nhiêu động vật hoang dã, điển hình là tê giác đen, ngựa vằn Grevy và linh dương Hirola.
Dự án mà Ami Vitale tham gia tập trung vào việc cải thiện ý thức và hành động của cộng đồng tại khu vực trên. Bà phối hợp cùng với Ủy ban bảo vệ thiên nhiên LEWA bằng việc tập hợp những người bản địa lại để cùng bảo vệ động vật hoang dã trong những khu chăm sóc đặc biệt.
Hình ảnh trên là Yusuf - một người bảo vệ thuộc LEWA đang ngủ cùng 3 chú tê giác trong chuồng. Chú tê giác ở góc phải mồ côi từ rất nhỏ vì mẹ nó đã chết bởi những kẻ săn trộm, trong khi chú tê giác to nhất trong bức hình đã phải sống suốt phần đời còn lại không ánh sáng vì bị mù.
Ngoài các biện pháp trên, LEWA còn sử dụng các lực lượng tuần tra có vũ trang để tích cực ngăn chặn sự tấn công, phá hoại của những kẻ bất lương.
Theo thống kê, LEWA hiện nay có 91 đội phản ứng chống săn bắt trộm động vật hoang dã hoạt động trên khu vực rộng 250km2 - bao gồm 70 loài động vật khác nhau, trong đó có 10% số tê giác đen ở Kenya và 20% số ngựa vằn Grevy trên toàn thế giới.
Bức ảnh ghi lại chân dung anh Julius Lokinyi - một “cựu” thợ săn trộm trước đây. Sau khi hoàn lương, anh đã trở thành một thành viên bảo vệ voi ở Bắc Kenya.
Trước đây, để có được tiền, anh phải mạo hiểm cả tính mạng khi đi săn trộm, nhưng bây giờ, việc bảo vệ động vật hoang dã đã mang tới cho anh một cuộc sống ổn định và bình an.
Chưa dừng lại ở đó, Ami Vitale còn hợp tác với tổ chức The Northern Rangelands Trust - tập thể gồm 26 nhóm bản địa sinh sống trên diện tích 2,5 triệu ha phía Bắc Kenya.
Họ vận động các bộ tộc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng đối thoại, hòa giải và cùng nhau quản lý động vật hoang dã ở đây. Bên cạnh đó, Ami Vitale động viên các cư dân mở ra ngành du lịch, chăn nuôi để tạo nguồn thu mới nuôi sống cả gia đình. Và kế hoạch ấy bước đầu đã đem lại nhiều thành công.
Hình ảnh một chú voi đang uống nước trong đêm. Cách đây nhiều năm, nơi đây là một trong những địa điểm diễn ra nhiều cuộc chiến tranh bộ tộc. Nhưng giờ đây, thổ dân địa phương đã nhận ra những giá trị thực sự trong cuộc sống.
Bảo vệ động vật hoang dã có thể nuôi sống gia đình và mỗi một con voi bị săn trộm thì đồng nghĩa với một phần tài sản của họ bị mất.
Trên là hình ảnh một thổ dân Samburu đang coi sóc đàn bò thuộc khu bảo tồn của LEWA. Thay vì tiếp tay cho bọn săn trộm động vật để sống qua ngày như quá khứ, ngày nay, nhiều thổ dân đã tập trung vào công việc chăn nuôi, giúp đỡ chính quyền chống lại nạn săn bắt và buôn lậu động vật hoang dã.
Người phụ nữ trong bức ảnh đã tâm sự về hiệu quả mà dự án đem lại: “Trong quá khứ, chúng tôi phải đi bộ hàng giờ để tìm kiếm nước và chăn thả gia súc… con cái chúng tôi không được đi học, chúng tôi không có quyền tiếp cận và chăm sóc sức khỏe… Dự án đã mang nước, trường học, trạm y tế và cơ hội tới - đó quả thực là điều vô cùng ý nghĩa với chúng tôi".