Những giấc mộng báo tin
Đối với người Việt Nam, việc một người thân nào đó đã khuất lại xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta để báo trước một điều gì đó thì được gọi là báo mộng. Việc báo mộng này có thể đúng có thể sai nhưng thường là nội dung nằm trong những công việc trong gia đình.
Trên thế giới cũng có không ít những giấc mơ kỳ lạ. Không có người báo mộng. Người ngủ mơ là người chứng kiến các sự việc mà chưa bao giờ họ nghĩ tới trong đầu và cũng chẳng liên quan gì đến cuộc sống của họ. Tuy vậy, chỉ rất ngắn sau đó, sự thực xảy ra đúng như vậy.
Nhiều giấc mơ như vậy đã được dẫn chứng: Ngày 29/8/1893 tại Mỹ, phóng viên Samson của tờ báo Hoàn cầu nằm nghỉ trên ghế sofa sau giờ làm việc. 7 giờ sau anh ta tỉnh dậy với một giấc mộng hết sức lạ lùng. Trong mơ anh ta thấy núi lửa Krakatoa phun trào khiến nhiều người chết và bị thương. Simson liền ngồi vào bàn làm việc và ghi lại giấc mơ lạ lùng này ra một tờ giấy.
Anh ta viết: “ Một tai họa đã xảy ra. Núi lửa Krakatoa phun mạnh ở gần đảo Java, dung nham và đá bùn đã cuốn một đám người ra biển…”. Vì thấy giấc mơ kỳ lạ, Samsom ghi hai chữ “quan trọng” vào bên lề tờ giấy rồi về nhà.
Khi ông tổng biên tập đến tòa soạn, thấy trên bàn làm việc của Samson có một bài viết. Cho rằng đây là tin Simson mới nhận tối qua nên ông cho đăng ngay vào mục tin khẩn. Tin sốt dẻo này làm số lượng bán báo tăng đột biến. Sau đó, hàng chục tờ báo cũng đăng lên. Trước dư luận hoang mang, chính quyền phản ứng gay gắt và đòi hỏi chứng cứ. Vì đây chỉ là một giấc mơ nên Simson không thể giải thích được với tòa soạn nên anh lập tức bị đuổi việc. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau đó, núi lửa Krakatoa quả nhiên hoạt động rất mạnh. Hàng ngàn người thiệt mạng trong lần phun trào này. Giấc mơ đáng sợ của Samson trở thành hiện thực. Dư luận lại một lần nữa lên tiếng, nhưng đó là lời khen tờ báo Hoàn Cầu. Samson được coi là vị anh hùng của tờ báo.
Ngày 3/3/1974, ở ngoại ô Paris, một máy bay DC-10 của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ bị nạn, 346 người thiệt mạng. Trước khi xảy ra sự việc này, một nữ công dân Mỹ - bà Robins, đã biết trước sự việc. Ngày 16/2, bà nằm mơ thấy chuyện đó và đã báo trước “máy bay DC-10 đến London sẽ gặp nạn vào tháng 3 hoặc tháng 5, mấy trăm người chết, không ai thoát” nhưng không ai thèm chú ý.
Ngày 24/2, bà lại nằm mơ thấy rõ ràng sự việc: máy bay từ Paris đi London tai nạn xảy ra trong rừng … một tuần nữa xảy ra. Lời dự báo của Robins lần này được ghi âm và cục điều tra Liên bang gửi đến hãng hàng không để cảnh báo. Đáng tiếc là người ta đã không có biện pháp đề phòng nên tai nạn vẫn xảy ra.
Một dẫn chứng nữa về giấc mơ tiên tri là giấc mơ về hỏa hoạn của một nữ nhân viên cứu hỏa ở tiểu bang Georgia tên là Becky Denlinger. Ngày 8/11/1989 trong một giấc mơ khủng khiếp, bà thấy toàn thể nhân viên trong đội cứu hỏa của mình được huy động đến cứu khẩn cấp một tòa cao ốc đang bốc lửa vì bị một máy bay phản lực đâm nhầm vào. Cảnh tượng thật hỗn loạn và có rất nhiều người bị thương. Tiếng la hét và một tiếng nổ kinh hoàng.
Kinh hãi tỉnh dậy, mồ hôi tỏa khắp người, bà kể lại giấc mơ kỳ lạ cho các nhân viên trong đội nghe. Nhiều người cho đó là hiện tượng tự kỷ ám thị. Chỉ sau đó không đầy một giờ, toàn bộ đội cứu hỏa của Becky Denlinger phải tức tốc lên đường cứu chữa một đám cháy lớn tại một cao ốc ở cách chỗ họ 60km. Một phản lực của hải quân Mỹ đã bị nổ và đâm vào tòa nhà làm phát ra đám cháy lớn khiến nhiều người bị thương và hai người thiệt mạng.
Cõi mộng - thế giới còn nhiều bí ẩn
Theo học thuyết vô thức của Freud, nội dung mộng mị là những thông tin xuất phát từ cõi vô thức. Tùy theo tầm quan trọng của giấc mơ mà người ta nhớ hoặc quên đi khi tỉnh dậy. Nếu giấc mơ có ý nghĩa quan trọng người ta nhớ rành rọt và theo đó để hành động. Sở dĩ con người nhớ được giấc mơ là vì các thông tin được truyền tải qua một cầu nối từ cõi vô thức sang cõi hữu thức và được đưa vào bộ nhớ. Khi cầu này đóng thì giữa vô thức và hữu thức không còn liên lạc.
Một số quan điểm khác cho rằng giấc mơ là sự lặp lại những hình ảnh, âm thanh mà con người đã gặp trong ngày hoặc những chuyện người ta đã trải qua trong quá khứ. Hoặc theo nghĩa của từ ngữ thì mơ là biểu hiện của một sự thèm muốn, ao ước một điều gì đó mà chưa đạt được trong thực tế. Do chúng ta ao ước nên đầu óc hằng suy nghĩ đến điều đó. Dần dần những thông tin mong muốn đó ăn sâu vào bộ não chúng ta và chúng sẽ được não bộ tái tạo lại khi ta mơ ngủ.
Tuy nhiên những điều này không thể giải thích cho những giấc mơ tiên tri nói trên, vốn có nội dung không hề liên quan đến mơ ước hay hiện thực cuộc sống của người mơ. Trong một nỗ lực khám phá giấc mơ, mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã thành công trong việc ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của giấc ngủ. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín Science, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thần kinh ATR ở Kyodo đã sử dụng máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác vị trí của phần não đã hoạt động trong những khoảnh khắc đầu tiên của giấc ngủ.
Các nhà khoa học sau đó đã đánh thức những người đang ngủ mơ và hỏi họ về những hình ảnh họ nhìn thấy, một tiến trình được lặp lại 200 lần. Những câu trả lời này được so sánh với sơ đồ bộ não do máy quét MRI đưa ra, sau đó các nhà khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên những kết quả đó. Với những nỗ lực tiếp theo, họ đã có thể đoán được những hình ảnh mà các tình nguyện viên nhìn thấy với tỷ lệ chính xác là 60%, tăng thêm trên 70% với khoảng 15 biểu tượng cụ thể bao gồm con người, từ ngữ và sách báo.
Tuy nhiên, các nhà khoa học này cũng khẳng định, còn một chặng đường rất dài để con người hiểu hết về cơ chế của giấc mơ cũng như những ý nghĩa của nó. Như vậy, cõi mộng nói chung và những giấc mơ tiên tri nói riêng hiện tại vẫn còn là một bí ẩn chưa thể giải thích thấu đáo đối với nhân loại.