Tại công viên Humlegaarden ở trung tâm thủ đô Stockholm, Anders Weide, một người cha trẻ đang trông đứa con gái nhỏ Alma nằm trông xe nôi, đợi một người bạn chạy đi thay tả lót cho con trai nhỏ của anh ta. Đây là một hình ảnh phổ biến tại Thụy Điển, theo AFP ngày 5.6.
Anders, một điều dưỡng, cho biết anh muốn dành nhiều thời gian chăm sóc con gái và nghỉ làm hai tháng theo chính sách nghỉ thai sản của Thụy Điển kể từ tháng 1.2013 để chăm sóc con, sau đó xin nghỉ phép không ăn lương cho đến tháng 9.2013 mới đi làm lại.
AFP dẫn lời nhà xã hội học Lars Plantin thuộc Đại học Malmoe (Thụy Điển) cho biết các ông chồng Thụy Điển thường xuyên đưa đón con đi học và tham gia các hoạt động ngoại khóa với con. Họ sẵn sàng nghỉ làm ở nhà để chăm sóc con cái bị đau bệnh, họ nấu ăn và làm việc nhà không thua gì phụ nữ.
Theo AFP, theo thời gian, các ông chồng ở Thụy Điển đã dần dần có xu hướng chia sẻ các công việc nhà với các bà vợ.
Đón bắt xu hướng đàn ông “ đảm đang ”, tạp chí Pappa của Thụy Điển ra đời vào năm 2011 nhắm vào “những người đàn ông đầu tư nhiều thời gian cho con cái, gia đình và sự nghiệp”.
Thậm chí khi nắm giữ các chức vụ cao trong kinh doanh và chính trị, các ông chồng Thụy Điển cũng rất chăm chút cuộc sống gia đình và làm việc nhà.
Điển hình là Thủ tướng Thụy Điển, ông Fredrik Reinfeldt, người thường hay nói về lòng đam mê làm việc nhà, hút bụi và dọn dẹp nhà cửa.
Chính sách nghỉ thai sản giúp đàn ông đảm đang
Giải thích về xu hướng đàn ông đảm đang, các nhà xã hội học Thụy Điển cho biết một phần là nhờ vào chính sách nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng của nước này.
Khi đứa con tròn một tuổi, lao động nữ đã có thể quay lại làm việc nếu muốn, vì chính phủ đảm bảo một chỗ trong nhà trẻ cho đứa con của họ với học phí thấp (được chính phủ đài thọ).
Hãng khảo sát Eurostat ở Thụy Điển cho biết 77,2% phụ nữ Thụy Điển có con có việc làm (bán thời gian và toàn thời gian) vào năm 2011, tỷ lệ cao nhất so với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ năm 2002, Thụy Điển cho phép một cặp vợ chồng nghỉ thai sản 16 tháng (16 tháng cho cả vợ và chồng), công ty và chính phủ chia nhau trả 80% thu nhập hằng tháng cho người lao động.
Trong số 16 tháng, có 2 tháng nghỉ “bắt buộc” đối với người chồng và không được viện bất kỳ lý do nào, tức là 2 tháng chồng và 14 tháng cho vợ.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển còn khuyến khích vợ chồng chăm sóc con cái bằng chính sách trợ cấp cho cả vợ và chồng trong lúc nghỉ thai sản.
"Cơ quan Bảo hiểm Xã hội trợ cấp cho một cặp vợ chồng mỗi người 120 euro (155 USD)/tháng", Set Moklint, một điện thoại viên của một trung tâm cấp cứu, cho biết. Ông còn nói rằng thậm chí không được nhận tiền trợ cấp này, các ông chồng cũng vui vẻ ở nhà chăm sóc con cái mới sinh.
Các chính trị gia Thụy Điển tranh luận rằng chính phủ nước này cần phải điều chỉnh chính sách nghỉ thai sản nêu trên, tăng từ hai tháng lên ba tháng đối với người chồng, một số đòi chia đều 16 tháng cho cả chồng vợ để đảm bảo bình đẳng giới, theo AFP.
“Bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết giúp xã hội Thụy Điển phát triển. Nhưng bình đẳng không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế”, nhà xã hội học Plantin nói.
“Bình đẳng giới không có nghĩa để đàn ông ở nhà làm nội trợ, mà để giúp phụ nữ ra ngoài làm việc nhiều hơn”, ông Plantin lý giải.